xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tấm lòng từ mẫu

ANH THƯ

Đối với PGS-TS-BS - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Dung, y đức chính là nỗ lực đến cùng trong nghề nghiệp để giành giật sự sống, đem lại sự lành lặn cho bệnh nhân và dốc hết sức thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ khám chữa bệnh của người thầy thuốc

Mười năm giữ cương vị giám đốc Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TPHCM và dồn sức nghiên cứu khoa học, BS Nguyễn Thị Ngọc Dung đã cùng các đồng nghiệp viết nên nhiều câu chuyện cổ tích kỳ diệu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh cứu người, đặc biệt là các bệnh nhi. Những thành quả đó như nét son tô điểm để tấm lòng người thầy thuốc thêm lấp lánh.

Hết lòng với nghề

BS Nguyễn Thị Ngọc Dung từng có nhiều năm làm việc tại khoa nhi, chứng kiến nhiều bậc cha mẹ đem đứa con bé bỏng của mình đến để nhờ bác sĩ xem giúp có “cái gì” vướng trong họng không mà bé đã mấy tuổi vẫn không chịu nói lấy một tiếng! Những khi ấy, không ít lần bà phải ngậm ngùi thông báo rằng cháu bé bị điếc bẩm sinh. “Nhiều người cha, người mẹ đã sụp xuống ngay tại chỗ mà khóc. Những hình ảnh đó và cảm giác phải thông báo kết quả đáng buồn ấy cho họ đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó…” - BS Dung chia sẻ.

Kỹ thuật cấy điện cực ốc tai được BV Tai Mũi Họng triển khai từ năm 1998 nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, giá thành thực hiện còn cao khiến việc thực hiện có thời gian bị ngưng trệ. Tuy nhiên, trong những năm làm giám đốc BV, BS Nguyễn Thị Ngọc Dung đã đẩy mạnh đào tạo nhân lực chuyên sâu bằng cách cử người đi tu nghiệp ở nước ngoài, mời các đoàn bác sĩ nước ngoài về thiết kế chương trình đào tạo tại chỗ. Nhờ đó, bà đã cùng các đồng nghiệp đưa cấy điện cực ốc tai vào danh sách các phẫu thuật thường quy tại BV, giúp số bệnh nhân được trả lại khả năng nghe tăng vọt.

BS Dung còn dốc sức vào nghiên cứu âm ngữ trị liệu để đi cho trọn hành trình tìm lại thế giới âm thanh cho trẻ khiếm thính. Bà cho biết: “Người ta hay nói đến cụm từ “câm điếc” nhưng thật ra là vì điếc nên mới dẫn đến câm. Trẻ em bị khiếm thính bẩm sinh không thể nghe người lớn nói nên dẫn đến không biết nói. Lớn lên một chút, các em có thể được sử dụng máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai để phục hồi khả năng nghe, nhưng các em còn cần được luyện nói nữa thì mới vào đời như người bình thường được”.
img

BS Nguyễn Thị Ngọc Dung (thứ ba từ phải qua) cùng các đồng nghiệp ở Khoa

Thanh học, Khoa Thính học - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY

Hồi năm 1993, trong một lần sang tu nghiệp tại Pháp, ngoài chương trình học chính thức, BS Dung còn tranh thủ theo chân những kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu để tìm hiểu. “Lúc đó, tôi mới nhận ra ở Việt Nam chưa có Khoa Thanh học và bắt đầu ấp ủ ý định thành lập khoa này để hoàn thiện quá trình tìm lại thế giới âm thanh cho những bệnh nhi thiếu may mắn. Ngoài ra, Khoa Thanh học còn là nơi điều trị cho những người bị bệnh hoặc tai nạn làm ảnh hưởng đến khả năng nuốt, bị khàn giọng, mất tiếng hay bị tai biến phải tập nói lại từ đầu, trẻ sau mổ hở hàm ếch, trẻ tự kỷ, nói ngọng…”.
Về nước, BS Dung bắt tay vào gầy dựng Khoa Thanh học như đã từng mong ước. Bà mời một đoàn bác sĩ Úc sang BV đào tạo cho một số điều dưỡng tại đây trở thành kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu chuyên nghiệp. Một số người được tạo điều kiện để sang các nước bạn học tập. Năm 2002, Khoa Thanh học chính thức ra đời.
Điều dưỡng Bùi Thị Duyên, người đã gắn bó hơn 10 năm với khoa, tâm sự: “BS Dung rất tâm huyết với Khoa Thanh học và âm ngữ trị liệu, luôn tạo điều kiện để anh em trong khoa học tập, nâng cao chuyên môn. Tôi luôn cảm thấy đam mê với phương pháp trị liệu không dao mổ này. Đến với mình là một người khổ sở vì mất giọng, là một đứa trẻ chưa từng cất tiếng nói đầu tiên… nhưng một thời gian sau họ có thể trò chuyện cùng mình…, đó là một niềm hạnh phúc lớn, giúp chúng tôi có thể theo đuổi nghề nghiệp một cách đầy hứng thú”.

Không chỉ gói gọn hoài bão trong phạm vi BV, BS Dung còn phối hợp với Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch đào tạo về âm ngữ trị liệu. “Rồi đây, chúng ta sẽ có một đội ngũ được đào tạo chính thống, chuyên nghiệp để giúp thêm nhiều người đang khát khao tiếng nói thực hiện được ước mơ của mình” - bà khẳng định.

Làm nghề y phải đi tới cùng

“Con tôi bị làm sao rồi bác sĩ ơi, hình như tôi để cháu nằm gần quạt quá, cháu bị lạnh…” - giọng hốt hoảng của một người mẹ cùng cặp mắt đã trợn trừng, trắng dã của bé trai 7 tuổi 20 năm về trước nay vẫn còn hiện rõ trong tâm trí BS Nguyễn Thị Ngọc Dung. Bệnh nhi năm nào suýt tử vong vì bị áp-xe não sau phẫu thuật điều trị chảy mủ tai.
Với kỹ thuật hiện nay, chỉ cần sử dụng CT Scanner là có thể phát hiện bệnh rất sớm nhưng thời đó thì không tài nào biết được cho đến khi khối áp-xe chèn ép các dây thần kinh và bệnh nhân có những biểu hiện rõ ràng. BS Dung chuyển ngay cậu bé vào phòng mổ và cùng các đồng nghiệp bắt tay vào ca phẫu thuật phiêu lưu này. Sự sống quá mong manh của đứa bé đè nặng lên tâm trí các bác sĩ. Nhưng rồi qua bàn tay của những “từ mẫu”, tiếng khóc trẻ thơ cũng đã cất lên trong sự nhẹ nhõm và hạnh phúc của người thân và ê kíp phẫu thuật năm đó. Thật khó quên!

Đối với BS Dung, những lần cùng bệnh nhân đứng bên bờ sinh tử như thế đã giúp bà học được sự bình tĩnh, vững vàng, không bao giờ đầu hàng trước những giờ phút khó khăn nhất. Khái niệm y đức trong bà cũng chính là nỗ lực đi đến cùng trong nghề nghiệp để giành lại sự sống và cơ hội lành lặn cho bệnh nhân, đồng thời dốc hết sức mình để thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ khám chữa bệnh của người thầy thuốc.

img

BS Dung khám bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Ảnh: ANH THƯ

“Những lúc đó, chỉ cần mình sợ, mình chần chừ hay không đủ can đảm để làm là ảnh hưởng đến bệnh nhân ngay. Bác sĩ có trách nhiệm cứu người nên dù chỉ còn một tia hy vọng rất nhỏ nhoi thì cũng phải xông vào mà làm, không thể vì sợ ca khó, nguy cơ cao mà đứng ngoài cuộc” - BS Dung chia sẻ. Bà luôn dặn dò các sinh viên là học trò của mình: “Đây là những kiến thức tôi có được từ lâm sàng nhưng không phải là tất cả. Y học tiến bộ không ngừng, cái rất tiên tiến hôm nay có thể trở thành lạc hậu ngày mai. Các em phải không ngừng học hỏi thêm qua sách vở, internet và đem các kiến thức ấy vào thực hành. Và quan trọng nhất là các em phải tự mình rút kinh nghiệm qua mỗi lần thực hành ấy để dần nâng cao, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp”.

Mong ước lớn nhất hiện nay của người nữ bác sĩ đã dành trọn cuộc đời cho ngành y là mở rộng BV Tai Mũi Họng, xây dựng thêm các chuyên khoa dị ứng, tạo hình thẩm mỹ, phục hồi chức năng, phát triển các kỹ thuật cao, hỗ trợ các y - bác sĩ nâng cao chuyên môn cũng như đời sống… để BV ngày một lớn mạnh.

Cổ tích diệu kỳ cho người thầy thuốc

Niềm hạnh phúc lớn nhất của BS Nguyễn Thị Ngọc Dung là được thấy những bệnh nhi của mình khỏe mạnh, hòa nhập được với đời thường. Cách đây vài năm, bà bất ngờ nhận được một tờ giấy học trò với nét chữ nắn nót của một cô gái trẻ. Cô đến BV tìm bà nhưng không gặp nên viết lại mấy dòng: “Cháu nghe ba má kể rằng bác sĩ là người đã gắp hạt đậu trong phổi, cứu sống cháu 18 năm trước. Nay cháu lên TPHCM thi ĐH và ghé qua để cảm ơn bác sĩ…”. Mãi một lúc sau, BS Dung mới nhớ ra đứa trẻ 10 tháng tuổi năm nào được chuyển đến BV để gắp dị vật trong phổi ra. Khi ấy, đứa bé đã tím tái và ở sát bờ vực của tử thần.

Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện cấy điện cực ốc tai tại BV, một cô bé xinh xắn lên sân khấu hát tặng các y - bác sĩ liên tục mấy bài hát. Khó có thể biết cô “ca sĩ nhí” ấy là một bệnh nhi bị câm điếc bẩm sinh. Được can thiệp cấy điện cực ốc tai sớm từ năm 2 tuổi và tập âm ngữ trị liệu, cô bé đã có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí còn có thể học ở một trường tiểu học dành cho trẻ bình thường mà không gặp bất cứ khó khăn gì.

“Những câu chuyện như là cổ tích đó chính là phần thưởng rất lớn đối với người hành nghề y chúng tôi. Không gì vui hơn khi thấy bệnh nhi của mình khỏe mạnh, thành đạt, được lớn lên như một người lành lặn” - BS Dung tâm sự.

Được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân

PGS-TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Dung hiện là Giám đốc BV Tai Mũi Họng TPHCM kiêm Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng Trường ĐH Y Dược TPHCM, Phó Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.

Trong dịp kỷ niệm 57 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay (27.2.1955 - 27.2.2012), bà là một trong hai cán bộ y tế xuất sắc của TPHCM vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo