Sáng 2-4, tại hội thảo triển khai hướng dẫn về an toàn người bệnh và bảo đảm an toàn phẫu thuật, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mất an toàn trong y khoa chiếm từ 6-12% số lượt điều trị nội trú và chiếm tới 10% nguyên nhân tử vong bệnh viện.
Công đoạn nào của quy trình khám bệnh, chữa bệnh cũng có nguy cơ mất an toàn cho người bệnh - Ảnh minh hoạ
Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí chết người...
"Có những sự cố y khoa không thể ngờ tới như bệnh nhân chỉ định mổ phổi phải nhưng bác sĩ lại mổ phổi trái hay, gãy chân phải lại mổ chân trái… rồi những trường hợp nhầm bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Những sự cố này không chỉ ở Việt Nam mà từng xảy ra ở các nước phát triển như Mỹ"- GS Tiến dẫn chứng.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bảo đảm an toàn người bệnh và an toàn phẫu thuật là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam khi lấy người bệnh làm trung tâm. Với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Operation Smile, Bộ Y tế đã xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng phẫu thuật nhằm cải thiện an toàn trong phẫu thuật và giảm những ca tử vong không đáng có do phẫu thuật và các biến chứng liên quan. Bộ Tiêu chí này sẽ tác động tích cực tới 3 triệu ca phẫu thuật mỗi năm.
Lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng phẫu thuật
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, việc giả mạo nhân viên y tế để điều trị cho người bệnh; bắt cóc (hay dụ dỗ) người bệnh ở mọi lứa tuổi; tấn công tình dục người bệnh trong khuôn viên bệnh viện; gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng cho người bệnh hoặc nhân viên y tế trong khuôn viên bệnh viện… là những sự cố y khoa nghiêm trọng được cho là phạm tội hình sự.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng xếp các các sự cố như: Phẫu thuật sai vị trí (bộ phận cơ thể); phẫu thuật sai người bệnh; bỏ quên dụng cụ, vật tư y tế trong cơ thể người bệnh; tử vong liên quan đến thuốc; giao nhầm trẻ sơ sinh, người bệnh tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng do tự tử tại cơ sở khám chữa bệnh… là những sự cố y khoa nghiêm trọng, bắt buộc phải báo cáo.
Bình luận (0)