Liên tiếp những ngày gần đây, các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP HCM tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp.
Tiền mất, chân mang sẹo
Ca mới nhất được BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc tiếp nhận cấp cứu là một phụ nữ sau khi tiêm collagen vào chân tại một spa thì chân bị biến dạng, nhiễm trùng nặng.
Bệnh nhân là bà N.T.A.K (55 tuổi, ở TP HCM), đến cấp cứu trong tình trạng bàn chân sưng phù, bầm tím, dịch vàng rỉ liên tục. Bàn chân trái của bà sưng to trong khi chân phải bị viêm nhiễm, áp xe, thâm tím khắp nơi.
Trước đó 1 tuần, bà tiêm collagen vào bàn chân tại một spa gần nhà hy vọng có bàn chân đầy đặn. Bốn ngày trở lại đây, chân bà căng tức, đau nhức tột độ, cảm giác như sắp vỡ tung. Cố uống thuốc theo hướng dẫn của spa nhưng tình trạng ngày càng nặng nên bà đến BV cầu cứu bác sĩ (BS).
TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, cho biết bệnh nhân đã bị viêm nhiễm nghiêm trọng, khả năng tổn thương mạch máu nên phải xử lý khối áp-xe, hút triệt để các hợp chất bên trong nhằm bảo toàn sức khỏe. Nếu không kịp thời điều trị, hậu quả sẽ trầm trọng hơn, có thể lan rộng, hoại tử cả bàn chân. Có thể bệnh nhân được spa tiêm vào không phải là collagen như quảng cáo mà thực chất là filler kém chất lượng.
Cách đó không lâu, BV Da Liễu TP HCM cũng vừa cứu chữa một cô gái 24 tuổi bị lở loét như tổ ong sau điều trị rạn da tại một spa. Bệnh nhân điều trị rạn da vùng đùi bằng phương pháp đốt điện với chi phí 8 triệu đồng. Cơ sở spa cam kết sẽ điều trị hết các vết rạn sau khoảng 3-6 tháng. Tuy nhiên sau đó, các vết đốt mưng mủ, chảy máu, đóng mài, bệnh nhân đau đớn, không thể tự đi lại, sinh hoạt được.
Theo BS chuyên khoa I Phạm Ngọc Trâm, Khoa Lâm sàng 1 BV Da Liễu TP HCM, bệnh nhân bị can thiệp xâm lấn rất sâu vào trong mô gây tổn thương da cộng với việc chăm sóc vết thương sau khi đốt chưa tốt, dẫn đến nhiễm trùng.
BS chuyên khoa I Lư Huỳnh Thanh Thảo, Khoa Thẩm mỹ da BV Da Liễu TP HCM, cho rằng cơ sở spa đã chỉ định phương pháp điều trị rạn da cho nữ bệnh nhân trên chưa phù hợp hoặc không kiểm soát được mức năng lượng khi sử dụng các thiết bị laser. Ngoài ra, việc hướng dẫn chăm sóc sau điều trị chưa tốt, dẫn đến loét da, mưng mủ, có thể diễn tiến thành nhiễm trùng lan rộng toàn thân, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Sau khi điều trị, vùng da của bệnh nhân có thể hình thành sẹo xấu, co rút, tăng hoặc giảm sắc tố da.
Cô gái với vùng đùi lở loét như tổ ong sau làm đẹp được Bệnh viện Da Liễu TP HCM cứu chữa
"Treo đầu dê bán thịt chó"
Tại BV Chợ Rẫy gần đây cũng liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng phải cấp cứu do phẫu thuật thẩm mỹ không an toàn. Chị N.T.T (quê Cần Thơ) đi nâng ngực bằng mỡ tự thân tại một cơ sở làm đẹp. Khoảng 2 tháng sau phẫu thuật, vết thương bắt đầu rỉ dịch. Chủ cơ sở làm đẹp bảo cứ nặn mủ thì sẽ hết nhưng tình trạng vẫn kéo dài đến 5 tháng. Lo lắng sức khỏe ngày càng xấu đi, chị đến BV Chợ Rẫy thì được các BS xác định bị nhiễm trùng ở vùng ngực và mô tuyến vú, phải bóc tách, xử lý lại từ đầu.
Còn chị L.T.K.M (ngụ quận 4) sau khi phẫu thuật làm quầng ngực tại một cơ sở làm đẹp thì vết thương không lành, rỉ dịch liên tục. Mất cả tháng mang ngực đi lại liên tục đến cơ sở làm đẹp để "bảo hành" song tình trạng vẫn không cải thiện, chị phải đến BV khám. Khi đó, vùng làm đẹp đã hoại tử nặng, các BS phải xử trí khẩn cấp.
TS-BS Trần Văn Dương, Phó Khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, cho biết các trường hợp trên là biến chứng thẩm mỹ thường gặp, mức độ không quá nghiêm trọng. Thời gian gần đây, khoa cũng liên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng nặng khi phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là các ca hút mỡ, phẫu thuật tạo hình thành bụng, tạo hình mũi. "Có trường hợp bệnh nhân sốc phản vệ ngay sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ không an toàn ở bên ngoài chuyển vào cấp cứu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn cứu kịp bởi hầu hết bệnh nhân khi được chuyển đến đều trong tình trạng nặng và rất nặng" - BS Dương nói.
Các chuyên gia cảnh báo hiện nay tình trạng bát nháo trong thị trường làm đẹp thẩm mỹ vẫn còn đầy rẫy, dẫn đến nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân. Tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó" giả mác thương hiệu, chuyên môn khiến nhiều người tin lầm. Theo BS Trần Văn Dương, có không ít bệnh nhân liên hệ hỏi về các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có gắn tên "C.Rẫy", "Chợ Rẫy"... "Tuy nhiên, BV Chợ Rẫy không có bất cứ hoạt động liên quan hay hợp tác với cơ sở nào bên ngoài về phẫu thuật thẩm mỹ" - BS Dương khẳng định.
Dẹp nhiều cơ sở thẩm mỹ "chui"
TP HCM hiện có hơn 10 BV và hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép. Nhưng theo thống kê sơ bộ, có trên 5.000 cơ sở chỉ là spa nhưng quảng cáo nhận phẫu thuật thẩm mỹ.
Thanh tra Sở Y tế TP HCM mới đây đã xử phạt nhiều phòng khám đa khoa, chuyên khoa thẩm mỹ vi phạm với các hành vi như: sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Nhiều cơ sở quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh theo quy định hoặc có cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động...
Bình luận (0)