Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 - TPHCM đã phẫu thuật giữ được chân phải cho một thanh niên nghiện thuốc lá nặng. Tuy nhiên, anh này phải mất 2 ngón chân vì bị hoại tử không thể giữ lại. Thanh niên này may mắn còn giữ được chân. Nhiều trường hợp nặng hơn phải đoạn chi từng phần, cắt bỏ nhiều lần, tàn đời theo khói thuốc lá.
Hoại tử tứ chi
Nghiện thuốc lá từ 30 năm nay, chân trái của ông P.T.T (44 tuổi, ngụ Lâm Đồng, hành nghề xe ôm) bị hoại tử đã phải cắt bỏ. Khi nhập viện, các ngón chân của ông đã tím đen, dù rất cố gắng nhưng các bác sĩ vẫn không giữ được. Những tưởng còn một chân sau khi xuất viện, ông T. sẽ từ bỏ thuốc lá nhưng bỏ ngoài tai lời khuyên của bác sĩ và vợ con, ông vẫn quen nếp cũ, mỗi ngày đốt gần 2 gói thuốc. Lần thứ hai ông vào BV mới đây, sau khi siêu âm mạch máu, các bác sĩ lắc đầu. Cái chân phải còn lại của ông cũng bị cắt bỏ luôn do hoại tử vì thiếu máu nuôi.
Tại nhiều BV ở TPHCM, số bệnh nhân nhập viện vì viêm tắc mạch máu ngoại biên liên quan đến hút thuốc lá ngày càng nhiều. Hầu hết các bệnh nhân này đều nghiện thuốc lá lâu năm. Theo bác sĩ Phạm Minh Ánh, Khoa Phẫu thuật mạch máu - BV Chợ Rẫy, bệnh nhân bị cắt bỏ chân, tay hoặc cả 2 tay, 2 chân do tắc mạch máu ngoại biên là chuyện thường gặp. Tại BV Nhân dân 115, mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng 100 ca tương tự.
PGS-TS Cao Văn Thịnh, Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu BV Nhân dân 115, cho biết các bệnh nhân bị hoại tử ngón chân hay tứ chi là vì căn bệnh Buerger. Đây là căn bệnh thường xảy ra ở người nghiện thuốc lá. Đáng báo động là hiện nay, số người trong độ tuổi 20-40 mắc bệnh Buerger ngày càng gia tăng.
Thống kê của Hội Tĩnh mạch học TPHCM cho thấy mỗi năm, các BV lớn ở TP đã tiếp nhận hàng trăm ca mắc hội chứng Buerger, bị hoại tử các chi nên phải cắt bỏ. Điều đáng lo ngại là hơn 95% bệnh nhân vẫn tiếp tục hút thuốc lá dù trước đó đã bị cắt bỏ một phần tay hoặc chân.
Đẩy mình vào chỗ chết
Theo các chuyên gia y tế, nhiều người hút thuốc lá không biết rằng họ đang tự đẩy mình vào chỗ chết. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, trên 40 chất gây ung thư. Hút thuốc là nguyên nhân gây nhiều loại bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư phổi, vòm họng, thực quản, đại tràng, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch... Các chất cực độc trong khói thuốc như nicotin, carbon oxide... giống như bã cặn, dần dần đọng trên thành mạch máu, làm hẹp động mạch, cản trở máu lưu thông.
Căn bệnh Buerger liên quan đến nghiện thuốc lá đang gia tăng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hiệu quả điều trị không cao, nhiều người do phải cắt bỏ chân tay nên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Theo PGS-TS Cao Văn Thịnh, tắc động mạch ngoại biên thường gặp ở mọi đối tượng. “Mỗi lần có bệnh nhân phải đoạn chi, các bác sĩ khó cầm lòng nhưng không còn lựa chọn nào khác. Khi bệnh nhân xuất viện, chúng tôi yêu cầu họ phải bỏ thuốc lá nếu không muốn chân, tay tiếp tục hoại tử nhưng chỉ một số ít ý thức được” - ông băn khoăn.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu cảm thấy có hiện tượng bất thường như đau ở bắp chân, khó bắt mạch tay - chân hoặc bị lạnh, tím tái; các ngón tay, chân biến dạng méo mó, lở loét..., người hút thuốc lá phải đi khám ngay. “Để phòng ngừa bệnh Buerger, không cách nào khác ngoài nói không với thuốc lá. Với những người đã cắt bỏ một phần tay, chân thì nên đoạn tuyệt với thuốc lá. Đừng chết vì thuốc lá!” - một bác sĩ cảnh báo.
Giảm thọ 5-8 năm Mỗi năm có gần 6 triệu người trên thế giới chết vì thuốc lá, trong đó 10% (hơn 600.000 người) hút thuốc lá thụ động. Theo dự báo, thuốc lá sẽ giết chết đến 8 triệu người vào năm 2030, trong đó hơn 80% sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam là nước có tỉ lệ nam giới sử dụng thuốc lá rất cao so với các nước trên thế giới khi có tới 47,4% người trưởng thành hút thuốc (nữ là 1,4%). Hút thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong 30%-80%. Hút một điếu thuốc, cuộc sống mỗi người mất đi 5,5 phút. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn người không hút 5-8 năm. |
Bình luận (0)