Sáng 2-10, tại hội thảo tập huấn với chủ đề "Phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2, vai trò của dinh dưỡng trong tăng cường sức khoẻ, phòng ngừa dịch bệnh", PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi đối với bệnh nhân SARS-CoV-2. Trong nhiều buổi hội chẩn bệnh nhân SARS-CoV-2 nặng đã có sự tham gia của bác sĩ dinh dưỡng. Với việc tập huấn cho hơn 600 điều dưỡng trưởng, hội viên Câu lạc bộ điều dưỡng trưởng Việt Nam đến từ các bệnh viện tuyến đầu, Thứ trưởng Sơn kỳ vọng các cá nhân này sẽ truyền đạt lại các thông tin tới đồng nghiệp để tăng cường dinh dưỡng trong quá trình điều trị, giúp nâng cao sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân SARS-CoV-2 cũng như các bệnh nhân khác.
Lễ ký kết hợp tác chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho hàng triệu gia đình Việt
Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam cho biết chương trình đào tạo chuyên sâu cho hàng ngàn điều dưỡng trưởng, nhân viên y tế của các cơ sở y tế với chủ đề nói trên được thực hiện trong 3 năm (2020- 2020) với sự đồng hành của Công ty Vinamilk. Sự kiện tương tự sẽ được tổ chức tại Huế và TP HCM hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị cho hàng triệu bệnh nhân thông qua các điều dưỡng trưởng và nhân viên y tế. Dịp này, hơn 10.000 sản phẩm sữa dinh dưỡng của Vinamilk đã được trao tặng để hỗ trợ chăm sóc những bệnh nhân cần giúp đỡ, đang điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội.
Trước đó, tại lớp tập huấn trực tuyến về chế độ dinh dưỡng trong điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trong nhiều nhóm giải pháp được thực hiện để giúp điều trị bệnh nhân trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng giúp cho người bệnh phục hồi, nâng cao thể trạng. "Bệnh nhân 91 là điển hình trong kết hợp nhiều biện pháp từ nội khoa, hồi sức tích cực, nhiều chuyên khoa cùng phối hợp, trong đó dinh dưỡng đã đồng hành trong quá trình hồi phục của bệnh nhân này"- ông Khuê dẫn chứng.
Theo PGS Khuê, hiện bệnh nhân nặng chiếm khoảng 20% tổng số ca bệnh đang điều trị, trong đó bệnh nhân rất nặng khoảng từ 5-7%, tỉ lệ tử vong chiếm 2,1%, nhóm các bệnh nhân nặng có bệnh lý nền, các bệnh không lây nhiễm như huyết áp tim mạch tiểu đường, thận nhân tạo…chiếm số lượng khá lớn. Việc điều trị là một thách thức lớn cho các cơ sở khám, chữa bệnh do đó dinh dưỡng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Hội đồng chuyên môn.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đến từ các bệnh viện đầu ngành cho rằng nếu bệnh nhân nặng chỉ sử dụng thuốc mà không tăng cường dinh dưỡng sẽ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi và phải nằm viện dài ngày. Do đó, các bệnh viện phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lâm sàng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của người bệnh.
Bình luận (0)