Sau nhiều lần lấy ý kiến cũng như tính toán khá thận trọng các yếu tố cấu thành giá dịch vụ, đến thời điểm này, dự thảo thông tư về giá dịch vụ viện phí mới của các bộ Y tế, Tài chính, LĐ-TB-XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được hoàn thành với sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành.
Tăng công khám, giảm viện phí
Theo dự thảo mới nhất này, sẽ có hơn 400 danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá. Con số này nhiều hơn với số dịch vụ mà Bộ Y tế từng công bố trước đây là 350 dịch vụ, ban hành tại Thông tư 14 (năm 1995) và cũng nhiều hơn 220 dịch vụ được rà soát điều chỉnh mà bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong cuộc đối thoại trực tuyến qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hồi đầu tháng 1 vừa qua.
Viện phí luôn là nỗi lo của bệnh nhân nghèo.
Trong ảnh: Người nhà bệnh nhân đóng viện phí tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội
Lý giải về sự thay đổi này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cho biết ngoài một số kỹ thuật mới chưa từng có trong danh mục được Quỹ BHYT chi trả, danh mục này cũng tách bạch rạch ròi những dịch vụ mà trước đây chỉ nói chung chung.
Đơn cử như siêu âm màu có mức giá thanh toán từ 80.000-150.000 đồng/lượt, nay sẽ cụ thể giá thành đối với dịch vụ siêu âm mạch máu hay siêu âm tim.
Cũng theo dự thảo này, công khám bệnh sẽ điều chỉnh từ 3.000 đồng/lượt lên tối đa 20.000 đồng (tuyến Trung ương) và giảm dần theo các tuyến, 15.000 đồng (tuyến tỉnh), 10.000 đồng (tuyến huyện) và 5.000 đồng (trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng).
Theo mức giá này, giá tiền khám mà người bệnh phải trả đã giảm gần 50% so với đề xuất ban đầu. “Ngoài ra, giá giường bệnh thông thường cũng được tính từ 10.000 đến 18.000 đồng/ngày, còn các chuyên khoa đặc biệt là 20.000 đồng/ngày. Với những giường hồi sức đặc biệt mức thu tối đa là 160.000 đồng trong khi trước đây đề xuất từ 300.000 đến 350.000 đồng” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc điều chỉnh này được tính toán cụ thể dựa trên lưu lượng bệnh nhân khám và điều trị cũng như khả năng đáp ứng trong điều kiện sẵn có của bệnh viện (BV). Trường hợp bệnh nhân phải nằm ghép 2 và 3 người/giường, giá thành sẽ được tính còn 70% và 40%.
Ngoài ra, với danh mục hơn 400 dịch vụ, kỹ thuật được điều chỉnh giá lần này, Bộ Y tế cũng đã bỏ một số dịch vụ bất hợp lý chỉ ghi chung chung như siêu âm ổ bụng và giảm giá một số dịch vụ trong số có chụp cắt lớp CT 16 dãy, 32 dãy.
Không phải trả “phụ phí”
Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giá viện phí này được xây dựng trên những cơ sở thực tiễn từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất giá của các BV đa khoa chuyên đầu ngành ở Trung ương như trước đây.
Chính vì thế, danh mục giá viện phí lần này nhận được sự đồng thuận của liên bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, LĐ-TB-XH.
“Sẽ không có những dịch vụ tăng vô lý và tăng hàng chục lần như trước đây. Bởi theo danh mục này rất ít dịch vụ được quy định từ tối thiểu đến tối đa mà được tính toán theo một mức giá. Điểm khác biệt là những dịch vụ này sẽ áp dụng theo phân tuyến kỹ thuật và đăng ký thực hiện của các bệnh viện”- ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, giá viện phí mới được áp dụng trong thời gian tới đây sẽ hướng tới việc bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, không để tình trạng bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trả, còn Quỹ BHYT vẫn thanh toán cho BV.
“Nếu trước đây người bệnh sử dụng dịch vụ A với giá 8 đồng, cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán cho BV 2 đồng, người bệnh sẽ phải bỏ tiền túi ra trả 6 đồng thì nay với khung giá đã sát thực tế, bệnh nhân sẽ không phải trả phần “phụ phí” mà các BV đưa ra với lý do bù lỗ!” - ông Sơn khẳng định.
Để quyền lợi của người bệnh không bị ảnh hưởng khi thực hiện giá viện phí mới và dịch vụ y tế được thanh toán theo giá trị thực, theo ông Sơn, trong năm 2012 sẽ triển khai phương thức giám định hồ sơ theo tỉ lệ xác suất tại 15 tỉnh, TP sau khi thí điểm thực hiện tại TPHCM.
Giám định viên sẽ chọn ngẫu nhiên 10% - 20% số hồ sơ các khoa của BV để giám định. “Nếu chỉ một hồ sơ bệnh án có dấu hiệu lạm dụng hoặc BV thu thêm tiền của người bệnh sẽ bị xử phạt, thậm chí cơ quan bảo hiểm sẽ không trả khoản viện phí đó cho phía cơ sở y tế” - ông Sơn nhấn mạnh.
Đề xuất tăng mức đóng BHYT
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khi thực hiện chính sách viện phí mới chắc chắn sẽ tác động đến sự cân đối Quỹ BHYT. Trong 2 năm 2010 và2011, Quỹ BHYT kết dư khoảng gần 6.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với khung giá viện phí mới, mức chi mỗi năm có thể tăng thêm 6.000- 7.000 đồng. Nếu tình trạng này kéo dài cơ quan bảo hiểm sẽ không “gánh” nổi.
Vì thế, cùng với việc điều chỉnh giá viện phí mới, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng sẽ đề nghị lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng. |
Bình luận (0)