Sau cuộc nhậu với bạn bè, nam thanh niên 34 tuổi ở Thái Nguyên xuất hiện cơn đau nhói ở ngực, xuyên ra sau lưng rồi lan dọc xương sống. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ xác định tình trạng bị phình, tách động mạch chủ type A trên nền tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường nhưng bệnh nhân không hề biết.
Căn bệnh "giết người thầm lặng"
Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng Khoa nội can thiệp tim mạch - hô hấp Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh nhân nam hay hút thuốc lá, uống bia rượu, nặng gần 100 kg, cao 1,7 m. Theo bác sĩ Bình, khi tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị phình, tách động mạch chủ type A. Sau khi làm các xét nghiệm, thăm khám, các bác sĩ thấy huyết áp của bệnh nhân lên đến 180 nên phải cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ áp đường truyền liều cao, đồng thời các bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường - 2 căn bệnh "giết người thầm lặng" mà bệnh nhân không hề biết mình mắc phải. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu ngay. "Ca phẫu thuật kéo dài 4,5 giờ. Dù ca mổ thành công, bệnh nhân khỏe mạnh ra viện nhưng sau này, nếu bản thân không kiểm soát tốt THA, đái tháo đường, lối sống thì nguy cơ tái bệnh rất nhiều. Do đó, người bệnh cần phải tuân thủ khuyến cáo phòng bệnh" - bác sĩ Bình lưu ý.
Bác sĩ Khổng Tiến Bình thăm khám cho người bệnh
Một trường hợp khác, ông N.V.X (50 tuổi, tỉnh Vĩnh Phúc) đi khám chuyên khoa tiêu hóa vì cảm thấy đau bụng quanh rốn. Các bác sĩ tiến hành thăm khám và phát hiện bị phình hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận. Người bệnh được chẩn đoán phình động mạch khi có sự phình khu trú động mạch với đường kính ngang lớn hơn 1,5 lần kích thước động mạch bình thường. Phình động mạch chủ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Phình tách hoặc vỡ động mạch. Đa số các trường hợp phình đồng mạch chủ là do THA, do đó với người phình động mạch chủ, kiểm soát huyết áp là điều cực kỳ quan trọng để không xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Điều đáng nói, ông X. không tin mình bị THA bởi người bệnh cho biết ở nhà có đo huyết áp nhưng không phát hiện được cơn THA. Ngay khi nhập viện, chỉ số huyết áp đo được trung bình sau 3 lần của người bệnh là 150/90 mmHg.
Biến chứng do THA
Theo thống kê, hiện nay 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và THA, đặc biệt trong những năm gần đây, bệnh này đang trẻ hóa. Tuy nhiên, gần 60% người bị THA ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Với bệnh THA có đến 90%-95% không rõ nguyên nhân, nhóm còn lại khoảng 5%-10% thường gặp ở người trẻ. Khi bị tổn thương thực thể thì phát hiện THA.
Theo bác sĩ Bình, thường người trẻ không chú ý đến sức khỏe, ít thăm khám định kỳ. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ khi vào viện mới biết mình bị THA. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Nhưng những biến chứng của THA rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.
Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ. Cụ thể, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân). Cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.
Đặc biệt, theo lời khuyên của bác sĩ, người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh THA; uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều; đo huyết áp ít nhất mỗi ngày 2 lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ...) trong quá trình điều trị.
Bình luận (0)