"Gym", viết đầy đủ là "Gymnasium", chỉ những phòng tập thể dục có sẵn dụng cụ và các dịch vụ hướng dẫn, đang ngày một phổ biến. Thế nhưng, không phải ai bước vào phòng gym cũng nhanh chóng đạt được vóc dáng, sức khỏe mơ ước. Có người sau khi đến phòng gym phải vội đến với… bác sĩ (BS).
Người cười, kẻ khóc
Chị M.L.L.A (28 tuổi, nhân viên văn phòng) là một trong những người thành công trong việc luyện tập. "Do tính chất công việc văn phòng ngồi nhiều, ít vận động nên tôi bị béo bụng và không kiểm soát được cân nặng. Vậy là tôi đến phòng gym sau giờ làm việc. Sau 1 năm kiên trì với các bài tập giảm cân, đốt cháy mỡ thừa kết hợp chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt, tôi đã giảm được gần 12% mỡ thừa, vóc dáng săn chắc, gọn gàng hơn rất nhiều" - chị A. khoe.
Thấy nhiều người đẹp ra nhờ các bài tập gập bụng, squat (động tác đứng lên - ngồi xuống theo trục thẳng, tập cơ mông - đùi), bà T.X.T (49 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM) cũng đăng ký tập dài hạn ở một phòng gym gần nhà với hy vọng thu gọn vòng eo và đùi đầy ngấn mỡ.
"Bữa rồi sau khi cố gắng squat mấy chục cái có kèm tạ, tối về tôi nhức đầu gối dữ dội. Nghĩ là tại mình chưa quen, ai dè sáng hôm sau đau quá, đi viện, BS la quá trời. BS bảo khớp gối tôi bị thoái hóa, coi chừng tập chưa kịp đẹp đã tiêu cái đầu gối" - bà T. than thở.
Ngoài những người tập giảm cân, không ít người tìm đến các bài tập thể hình nơi phòng gym để tăng cân, cơ bắp hay cải thiện số đo vòng 1, vòng 3… Chị T.T.Tr (27 tuổi, quận 3, TP HCM) nhanh chóng lột bỏ vóc dáng "cò hương" chỉ trong nửa năm. Sau mỗi buổi tập, chị ăn, ngủ tốt hơn. Tập luyện đúng khiến trọng lượng tăng thêm hầu hết dồn vào các múi cơ và vòng 3, khiến dáng chị đẹp hơn nhiều.
Nhưng đồng nghiệp của chị là chị N.M.L (25 tuổi) thì thậm chí còn gầy hơn sau mấy tháng gym. Sau mỗi buổi tập kéo dài 2 giờ, chị L. rất mệt, về không thèm ăn thêm, thậm chí còn ăn ít. Có đợt chị còn bị đau ê ẩm cả tuần, nhất là lúc mới tập hay chuyển động tác mới, phải ráng lắm mới đi tập tiếp được.
Tập luyện ở phòng gym chỉ hiệu quả khi bạn tập đúng và phù hợp với thể trạng cũng như có chế độ ăn uống hợp lý Ảnh: Ý LINH
Tập sao cho đúng?
Theo anh Nguyễn Quốc Huy, huấn luyện viên trưởng tại phòng tập G.O (quận 3, TP HCM), tập thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những người luyện tập thất bại thường rơi vào nhóm thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, mệt mỏi, người sử dụng chất kích thích, không bảo đảm chế độ ăn khoa học và luyện tập không đúng cách.
Anh Huy khuyên ít nhất là trong giai đoạn mới bắt đầu, người tập nên có huấn luyện viên cá nhân. "Huấn luyện viên là người sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng, giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Tùy từng thể trạng sẽ có những bài tập vận động và chế độ ăn uống phù hợp. Đặc biệt, họ sẽ là người lên kế hoạch, giám sát, hỗ trợ và là những người có đủ chuyên môn để điều chỉnh cho bạn từ nhịp thở đến cách chuyển động cơ thể sao cho hoàn hảo nhất" - anh Huy lý giải.
Còn theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, sự chậm thích nghi của cơ thể với các bài tập là yếu tố đầu tiên dẫn đến chấn thương. Những buổi tập đầu tiên phải tập nhẹ nhàng, những buổi sau mới tăng dần cường độ và thời lượng tập, trước khi tập nặng phải khởi động.
"Cơn đau ê ẩm như trường hợp chị L. nói trên chính là những chấn thương cực nhỏ ở cơ, khớp xương… do cơ thể không kịp thích nghi. Khi đó nhất thiết phải nghỉ ngơi, đi khám, nếu cố gắng chịu đau tập tiếp có thể dẫn đến "chấn thương cộng dồn", lâu ngày tích lại thành vấn đề trầm trọng hơn. Ngoài ra, tập bài tập quá nặng, không phù hợp và không đúng cách cũng có thể dẫn tới các chấn thương lớn hơn tại chỗ" - BS Ánh giải thích.
BS Ánh cho biết các bài tập chỉ có hiệu quả khi tập đúng và phù hợp với thể trạng, sức khỏe mỗi người, nhất là những người có bệnh lý sẵn. "Ví dụ trường hợp thoái hóa khớp gối nói trên thậm chí không nên tập đi bộ nhiều mà thay bằng đạp xe, bơi lội để giảm áp lực lên khớp gối. Có người thoái hóa khớp gối, tập thái cực quyền bật nhảy vài cái khi múa kiếm cũng phải đi gặp BS, huống hồ tập squat đứng lên ngồi xuống liên tục, còn thêm tạ thì chắc chắn khớp gối không chịu nổi" - BS Ánh lý giải.
BS Ánh khuyên bên cạnh tập luyện, người tập cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cần ăn đủ chất, đủ lượng để có năng lượng tập luyện nhưng cũng phải kiêng khem đủ để giảm cân, giảm mỡ; nếu không tập nặng mấy cũng không hiệu quả. Ngoài ra, tập phải vừa sức, sau khi tập mà mệt đến mức đi không nổi, không thiết ăn uống thì chỉ có hại.
Nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh) cho thấy hiệu quả của thể dục chỉ đạt mức cao nhất nếu tập khoảng 30-60 phút/buổi, tuần 3-5 lần. Tập lâu hơn 90 phút/buổi hoặc hơn 23 buổi/tháng sẽ khiến bạn kiệt sức.
Đừng ham thành "ngôi sao phòng gym"
Một nghiên cứu dựa trên 3.878 tình nguyện viên của Phòng khám Y học Thể thao ở Rio de Janeiro (Brazil) công bố hồi tháng 4-2019 gây bất ngờ khi khuyên người trung, cao niên... nâng tạ để giữ sức mạnh cơ bắp.
Theo các tác giả, bạn có thể kéo dài tuổi thọ đến vài năm nếu giữ sức mạnh cơ bắp và vẻ ngoài rắn rỏi "trên trung bình" một chút. Tuy nhiên, không nên quá ham tập vì nếu siêng đến mức thành "ngôi sao phòng gym", việc luyện tập sẽ tác dụng ngược: Tăng nguy cơ tử vong sớm tới 13 lần.
Bình luận (0)