Tôi đã từng uống thuốc dị ứng, tình hình có đỡ được một đợt nhưng rồi lại tái phát như cũ, và chính bác sĩ, cũng là bạn tôi, có nói thuốc chỉ là vấn đề tức thời và cũng không lạm dụng được. Trong khi đó, việc nhà thì phải làm hàng ngày. Ngày thường thì da chỉ hơi khô, thô ráp, mấy đợt như Tết hay đám giỗ cách đây 2 tuần thì tay tôi cứ bị bong tróc, rất ngứa ngáy, khó chịu, chân bước lên sàn nước khi làm việc nhà cũng bị khô, nứt. Có cách nào để cải thiện tình hình không, xin tư vấn giúp tôi?
(Nguyễn Thiện An, nữ, 32 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM)
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM:
Trong những giai đoạn da tay, chân đang khô nẻ, bong tróc, bạn nên ngâm tay, chân trong nước muối hột ấm hàng ngày.
Pha theo tỉ lệ cứ 1 muỗng canh muối hột thì hòa vào 1 lít nước, nấu sôi lên, để nguội bớt còn ấm khoảng 35-40 độ C rồi ngâm tay, chân vào từ 5-10 phút. Ngâm nước muối hột giúp da bạn bớt mẫn cảm hơn, làm lành những vết khô nẻ, bong tróc và còn có tác dụng dưỡng ẩm, làm mềm da.
Trong các giai đoạn da tay chỉ "hơi khô", bạn vẫn có thể áp dụng cách trên, hoặc đơn giản hơn là dưỡng da bằng một trong 3 thứ sau đây: bã trà, bã cà phê, nước vo gạo.
Cách làm rất đơn giản: uống trà, cà phê xong lấy bã đắp trực tiếp lên da một lúc hoặc ngâm tay trong nước vo gạo vài phút. Những thứ này cũng có công dụng dưỡng ẩm, làm da mềm và mịn hơn.
Bên cạnh những biện pháp can thiệp từ bên ngoài, bạn hãy nhớ điều chỉnh cả chế độ ăn, uống. Quan trọng nhất là không được để cơ thể mất nước. Việc nhà là một dạng lao động tiêu tốn nhiều năng lượng, đổ nhiều mồ hôi nên phải uống bù nước, nhất là những dịp lễ Tết, giỗ chạp khi bạn có quá nhiều việc phải làm. Phải bảo đảm uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày tùy theo mức độ vận động.
Bổ sung thêm rau, củ, quả, nhất là các dạng quả mọng, rau củ chứa nhiều nước. Bạn sẽ thấy không chỉ da tay, chân mà các vùng da khác trên cơ thể được cải thiện rất nhiều, không chỉ đẹp hơn mà còn khỏe mạnh hơn, ít bị tác động bởi các yếu tố môi trường.
Bình luận (0)