Mới đây, nhiều công nhân (CN) tại tỉnh Bình Dương bị ngất xỉu do hạ canxi huyết. Tình trạng thiếu máu, thiếu chất dẫn đến sức khỏe CN sút kém nay rất đáng báo động.
Không mù cũng điếc!
Trong lúc đặt ống hút nước xử lý hồ chứa, do bất cẩn, một CN bị rơi xuống hồ và khi đồng nghiệp xuống cứu thì cả hai đều hít phải khí độc. Điều đáng nói là vụ việc bị bưng bít, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị cho nạn nhân, trước khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Đó chỉ là những "biểu hiện" trong số bệnh nghề nghiệp mà CN mắc phải. Khảo sát của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP HCM trong gần 5 năm đã chỉ ra con số đáng lo ngại. Cụ thể, qua đo môi trường lao động tại 6.565 lượt cơ sở, doanh nghiệp (DN) và khám 125.000 lượt bệnh nghề nghiệp cho thấy người lao động có tình trạng sức khỏe loại kém và rất kém chiếm tỉ lệ 24,8%. Sức khỏe loại I, loại II giảm sau mỗi năm nhưng tăng tỉ lệ CN sức khỏe loại kém là loại IV, loại V.
Theo TS-BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP HCM, nhiều DN chưa quan tâm đến môi trường làm việc khiến người lao động phải làm trong môi trường ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn, ánh sáng không đạt, thiếu thông thoáng gió, khí độc, bụi… Kết quả khám trên 600.000 lượt CN tại TP HCM đã phát hiện hơn 30% mắc bệnh tai mũi họng, hơn 23% bệnh về mắt (tật khúc xạ, viêm kết mạc, mắt hột), gần 10% bệnh tiêu hóa (loét dạ dày, gan mật) và gần 45% lao động nữ mắc các bệnh phụ khoa như u xơ cổ tử cung, u nang buồng trứng.
BS Đinh Quang Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, cho biết tầm nghe của cơ thể người bình thường dao động từ 0-125 dB, nếu dưới 40 dB sẽ khó nghe, còn trên 105 dB có thể gây cảm giác đau ở tai. Nếu tiếp xúc với âm thanh trên 115 dB trong thời gian dài có thể gây giảm thính lực, dẫn đến điếc vĩnh viễn.
Tự "bơi"
Theo ThS-BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP HCM, khảo sát cho thấy chỉ số an toàn lao động ở nhiều DN đều vượt chuẩn cho phép, đang bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Đây là nguyên nhân khiến người lao động mắc nhiều bệnh nghề nghiệp.
Các chuyên gia cảnh báo: Đáng lo nhất là ở những người mắc bệnh bụi phổi silic. Theo BS Đinh Quang Thanh, biểu hiện lâm sàng của bệnh phổi do sợi đay, gai, bông là tức ngực, khó thở, ho. Người lao động mất dần sức khỏe qua thời gian làm việc. Khi bệnh chuyển giai đoạn mạn là không thể nào điều trị dứt.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, có bằng chứng khoa học chỉ ra rằng tình trạng CN làm việc ở KCN bị suy dinh dưỡng, đau mỏi cơ, xương khớp đang tăng lên.
Các chuyên gia cho biết sức khỏe của người lao động ngày càng giảm sút do các chủ cơ sở không quan tâm trong việc khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với lao động làm việc trong môi trường độc hại. Theo nhận định của Hội Y học lao động, hiện nay môi trường lao động đang bị lãng quên.
Ba ngành nghề dễ bị rối loạn tâm thần Cả nước có hơn 200 KCN với hàng chục triệu lao động. Riêng TP HCM có khoảng 2 triệu lao động làm việc tại hơn 75.000 DN. Theo Bộ Y tế, có khoảng 10%-12% người lao động trong 3 ngành nghề mũi nhọn là giày da, may và thủy sản bị rối loạn sức khỏe tâm thần. Các yếu tố về điều kiện lao động như môi trường không bảo đảm, thời gian lao động kéo dài, công việc đơn điệu được cho là những nguyên nhân gây nên căn bệnh này. |
Bình luận (0)