Nghĩ rằng đó chỉ là sự mệt mỏi đơn thuần do thai quá to nên chị không đi khám. Đến khi những đường tĩnh mạch xanh nổi lên, chị mới lo lắng tìm bác sĩ. Do đã mang thai tháng thứ 8 nên chị chỉ có thể sử dụng giải pháp tạm thời là vớ tĩnh mạch bởi bác sĩ lo ngại một số loại thuốc điều trị sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Sinh con xong, thấy chân bớt đau, chị cũng không còn chú ý nữa. Không ngờ khi đi làm lại và mang giày cao gót thì đôi chân đau dữ dội và phải phẫu thuật.
Theo các chuyên gia ở Hội Tĩnh mạch học TPHCM, có đến 80% - 90% thai phụ gặp các triệu chứng suy dãn tĩnh mạch. Trước hết là do sự rối loạn nội tiết tố trong thai kỳ. Bên cạnh đó, tử cung lớn dần cũng gây chèn ép tĩnh mạch chậu, cản trở việc dẫn máu từ ngoại vi đến trung tâm nên thai phụ hay bị bệnh lý tĩnh mạch ở hai chi dưới và thai càng to thì bệnh càng dễ nặng thêm.
Người mang thai nhiều lần, thai to và người có tiền sử suy dãn tĩnh mạch cũng dễ mắc bệnh hơn. Ban đầu, bệnh nhân sẽ thấy nặng chân, phù chân, đi lại khó khăn, thường xuyên bị chuột rút, nếu không điều trị thì bệnh sẽ nặng thêm và các tĩnh mạch nổi rõ trên hai chân.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết suy dãn tĩnh mạch được phát hiện sớm sẽ dễ dàng điều trị và có khả năng tự hết sau thai kỳ.
Để phòng ngừa bệnh cũng như chăm sóc cơ thể nếu lỡ mắc bệnh, thai phụ nên ăn nhạt vì sự thay đổi nội tiết khi mang thai làm cơ thể giữ muối, giữ nước cũng dẫn đến suy dãn tĩnh mạch. Chế độ ăn giàu chất xơ và vitamin cũng làm tăng cường sức bền thành mạch.
Ngoài ra, luyện tập nhẹ nhàng cũng được các bác sĩ khuyên thai phụ lưu ý. Nhiều thai phụ làm công việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu cũng có nguy cơ bị suy dãn tĩnh mạch cao.
Nên tạo sự thoải mái cho đôi chân, thỉnh thoảng đứng lên đi lại nhẹ nhàng, xoa bóp chân, điều này vừa tốt cho việc sinh nở vừa giảm các triệu chứng của bệnh lý tĩnh mạch. Không nên mặc quần quá bó hoặc mang giày cao gót khi đang mang thai.
Bình luận (0)