Do chồng là học viên trốn trại, nên cả hai không dám đăng ký kết hôn. Ba tháng sau đám cưới, chị phát hiện chồng mình bị nhiễm HIV, và lúc này chị cũng biết trong bụng là một đứa con đang tượng hình được 16 tuần. Không nói, không khóc, không ăn uống, chị nhốt mình trong phòng suốt một tuần lễ. Rồi chị cũng tìm đến BV để được tư vấn và đứng trước một chọn lựa khó khăn nhất trong cuộc đời mình: Giữ hay bỏ thai. Hàng loạt câu hỏi chị đặt ra: Nếu giữ thai, đứa con chào đời sẽ như thế nào? Chẳng may nhiễm bệnh, lớn lên nó có oán hận cha mẹ không? Cha mẹ chưa đăng ký kết hôn, vậy khi làm giấy khai sinh phải khai cha là ai? Nhưng nếu bỏ thai, có nghĩa là suốt cuộc đời còn lại chị sẽ không bao giờ được làm mẹ. Suốt mấy đêm không ngủ, chị đành quyết định bỏ thai, vì thấy đứa trẻ ra đời cũng chẳng có tương lai.
Còn quá vô tư để cảm nhận nỗi đau
Sáng 21-11, tại phòng tư vấn của BV Từ Dũ, ngồi trước mặt tôi là N.T.K, 13 tuổi, nhưng đã mang trong bụng cái thai 18 tuần. Khuôn mặt đầy thơ ngây, nên những câu trả lời của em cũng rất vô tư. “Em đã quan hệ với bạn trai mấy lần?”, bác sĩ hỏi, “Em cũng không nhớ nữa”. “Em có biết mình có thai không?”, “Em không biết, vì chu kỳ của em không đều”. “Vậy em muốn giữ con hay bỏ?”, cô bé trả lời ngay lập tức: “Muốn bỏ vì có sinh ra thì em cũng không có tiền nuôi”. Khi bác sĩ hỏi K. cần giúp đỡ hay thắc mắc gì không, em chỉ lắc đầu nói: “Chừng nào em mới được “làm” hả bác sĩ ?”.
K. cho tôi biết em sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Cha làm thợ hồ, mẹ ở nhà may gia công, hai người thường xuyên cãi nhau. Giữa năm nay, sau một lần cãi nhau với chồng, mẹ K. bỏ đi và từ đó không về nhà. Dù là con một, nhưng K. chỉ học hết lớp 1 thì nghỉ. Nhà nghèo, không ai quan tâm, nên nhiều lần em bỏ nhà theo bạn trai. Hậu quả là K. mang thai, và tại BV Từ Dũ bác sĩ cũng phát hiện em đồng thời bị nhiễm HIV. Hai tin dữ đến một lúc, khiến ông M., cha của K. muốn đổ gục. Nhìn đôi mắt ngân ngấn nước của ông, tôi biết ông đang cố gắng dằn lòng để khỏi bật ra tiếng khóc. Trước khi rời phòng tư vấn, ông cho biết sẽ nghỉ làm thợ hồ, mua một chiếc xe ba gác đạp, hằng ngày hai cha con đi mua ve chai để sống, vì chỉ có cách đó ông mới quản lý tốt con mình để nó không vấp phải sai lầm lần nữa.
Bác sĩ Nguyễn Ban Mai, Phó Khoa Sanh BV Từ Dũ, cho biết BV chưa thống kê số thai phụ nhiễm HIV sinh con hay bỏ con. Tuy nhiên, theo bác sĩ Ban Mai ước tính số thai phụ nhiễm HIV tăng đều mỗi năm. Ngược lại, tuổi của thai phụ nhiễm HIV lại có xu hướng giảm dần. BV từng tiếp nhận 2 thai phụ 14 tuổi và 1 thai phụ mới 13 tuổi! Tại BV Hùng Vương, tình hình cũng tương tự. Một khảo sát của TS-BS Vũ Thị Nhung, Giám đốc BV, cho thấy từ năm 1996 đến 2002, số thai phụ nhiễm HIV/AIDS tăng rất nhanh, từ 0,05% lên 0,81%. Năm 2004, con số này còn là 0,74%. Đặc biệt tỉ lệ thai phụ dưới 19 tuổi nhiễm HIV/AIDS tăng từ 12,5% (1996-1998) lên 16,2% (1998-2004).
Điều trị dự phòng đúng, không quá 2% trẻ nhiễm bệnh từ mẹ
Theo bác sĩ Nguyễn Ban Mai, khi đối mặt với một thai phụ nhiễm HIV/AIDS, trách nhiệm của người tư vấn là đưa ra cho họ thấy những tình huống mà họ có thể gặp khi quyết định sinh hay bỏ con (chỉ cho phép bỏ thai dưới 20 tuần tuổi). Thông thường lúc này tinh thần của một số thai phụ rất hoảng loạn, nếu không được sự hỗ trợ tận tình của người thân và cộng đồng họ khó có thể vượt qua. Nếu quyết định sinh con, sản phụ phải chấp nhận nguy cơ đứa trẻ có thể bị nhiễm và sẽ chết trong 2 năm đầu. Trẻ cũng có thể sống lâu hơn nhưng nó vẫn khó qua khỏi vì không đủ sức chống chọi với bệnh. Nếu trẻ không bị nhiễm, người mẹ cần phải dự phòng cho tương lai của trẻ vì nguy cơ bé mồ côi là rất cao.
Bác sĩ Hồ Thị Ngọc, Chủ nhiệm Khoa Sinh BV Hùng Vương, cho biết nếu muốn sinh con thì thai phụ bị nhiễm có thể đến BV hay trung tâm y tế địa phương để được hướng dẫn cách chăm sóc cho thai nhi. Nếu được điều trị dự phòng đúng chỉ định, nguy cơ bệnh truyền từ mẹ sang con là không quá 2%.
Phụ nữ khi phát hiện mình bị nhiễm HIV mà chưa có thai thì nên ngừa thai. Nếu đã có con thì không nên mang thai lần 2, lần 3... Vì mỗi lần mang thai, hệ miễn dịch của thai phụ bị nhiễm suy giảm rất nhanh, như thế việc dùng thuốc điều trị dự phòng sẽ không tác dụng.
Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh: Khi bị nhiễm HIV, dù mang thai hay chưa mang thai, phụ nữ cũng cần phải sử dụng bao cao su lúc quan hệ tình dục. Điều này ngoài việc hạn chế lây truyền virus còn có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
Bình luận (0)