icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thai trứng và nguy cơ biến chứng ung thư

Bài và ảnh: Nhất Phương

Để phòng ngừa thai trứng, phụ nữ nhiều tuổi không nên sinh đẻ, thường xuyên áp dụng các phương pháp tránh thai Mỗi năm, Bệnh viện (BV) Từ Dũ tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân bị thai trứng, trong đó có khoảng 200 ca có biến chứng ung thư

Đây là hiện tượng thường gặp ở những nước có nền kinh tế kém phát triển. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta, tỉ lệ gặp thai trứng khá cao: 1/500 người có thai. Theo nhận xét của các bác sĩ, bệnh này có xu hướng tăng lên do ngày càng có nhiều phụ nữ lớn tuổi nhưng vẫn muốn sinh con. Thỉnh thoảng, các bác sĩ tại đây cũng gặp một vài ca thai trứng ở tuổi 15 - 16. Vừa qua, BV Từ Dũ TPHCM đã xử lý bỏ thai trứng nặng khoảng 200 g có kích thước 45 x 63 mm cho một thai phụ trẻ tuổi và đây là trường hợp có thai trứng ở người trẻ tuổi nhất được phát hiện tại BV này từ trước đến nay.

Mối lo của thai phụ lớn tuổi

Hiện nay, y học vẫn chưa xác định được một cách chính xác nguyên nhân gây thai trứng. Y học mới xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ thai trứng như: có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, đã đẻ nhiều lần, thiếu chất dinh dưỡng (chủ yếu là đạm). Đặc biệt, tuổi của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc mang thai trứng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu tuổi của người mẹ khi mang thai trên 40 tuổi thì nguy cơ thai trứng tăng 5,2 lần so với những bà mẹ mang thai ở độ tuổi từ 21 đến 35.

Bác sĩ Phạm Thị Tuyết Nga, Phó Khoa Ung thư Phụ khoa - BV Từ Dũ, cho biết thai trứng thường xảy ra ở hai đầu mút của lứa tuổi sinh sản, nhỏ quá hoặc lớn quá, thai trứng biến đổi bất thường. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều có thể mắc bệnh và nguy cơ này tăng theo tuổi. Phụ nữ lớn tuổi khi thấy rong kinh thường nghĩ là rối loạn do sắp mãn kinh nên thường chịu đựng trong một thời gian dài, khi phát hiện thai trứng thì thường bệnh đã nặng. Đồng thời, nếu tuổi của người mẹ khi mang thai dưới 20 thì nguy cơ thai trứng cũng tăng đáng kể. Những triệu chứng khi mang thai trứng có thể gặp như xuất huyết, nghén nhiều hơn những sản phụ bình thường. Đồng thời, thai sẽ lớn nhanh hơn bình thường.

Mặc dù cho đến nay trên thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây thai trứng nhưng y khoa ghi nhận bệnh này gặp nhiều ở châu Á, châu Phi và đặc biệt là các nước nghèo. Đối với những trường hợp thai trứng, nhau thai bị thoái hóa, tạo thành các túi chứa dịch và làm phôi thai bị hỏng trong khi các túi dịch vẫn phát triển. Qua siêu âm, các bác sĩ sẽ không thấy khối thai mấp máy, mà chỉ là những bọt nước, như những hột bột báng, ăn sâu vào thành tử cung.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ Tuyết Nga, tỉ lệ biến thành ung thư của thai trứng là 30% - 50%. Thai trứng có thể theo mạch máu đến âm đạo, phổi, các cơ quan vùng chậu và có thể làm tổ tại đó, ăn sâu vào các cơ quan. Biến chứng nguy hiểm nhất của thai trứng là chuyển sang ung thư nhau, ăn sâu và theo mạch máu đi vào các cơ quan khác nên ung thư sẽ phát triển ồ ạt hơn. Nếu nghi ngờ bị thai trứng, cần đi siêu âm để biết kết quả chắc chắn. Nếu đúng là thai trứng, cần lấy trứng ra càng sớm càng tốt để đề phòng sẩy trứng, chảy máu nhiều và phát triển thành ác tính. Nếu trứng chưa sẩy có thể nạo, hút. Nếu đang sẩy thì có thể hút hoặc gắp trứng ra thật sạch. Riêng đối với những phụ nữ trên 40 tuổi hoặc không muốn có con nữa, bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ tử cung nhằm dự phòng biến chứng ác tính. Nếu không chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có thể gây băng huyết do sẩy trứng, suy nhược và nguy hiểm đến tính mạng thai phụ hoặc bị thủng tử cung do trứng ăn sâu vào cơ tử cung làm thủng lớp cơ tử cung, gây chảy máu vào ổ bụng.

Sau một lần bị thai trứng, phụ nữ có thể bị thai trứng trong lần mang thai tiếp theo. Song vẫn có nhiều trường hợp có thể mang thai bình thường trong những lần mang thai sau đó. Tuy nhiên, sau mỗi lần thai trứng, cần tránh có thai trong vòng hai năm để có đủ thời gian theo dõi và tiên lượng nguy cơ chuyển thành ác tính. Vì vậy, bác sĩ Phạm Thị Tuyết Nga khuyên khi muốn có thai trở lại, nhất thiết phải kiểm tra nồng độ HCG trong nước tiểu.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Hồng Hoa, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, khuyến cáo để phòng ngừa thai trứng, phụ nữ nhiều tuổi không nên sinh đẻ, thường xuyên áp dụng các phương pháp tránh thai. Bên cạnh đó, cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ cơ quan sinh dục luôn sạch sẽ, sinh đẻ có kế hoạch, không sinh quá gần nhau. Khi đã mang thai, thai phụ nên đi khám thai định kỳ.

Theo dõi lâu dài sau khi lấy bỏ thai trứng

Việc điều trị một ca thai trứng sẽ kéo dài từ 1 - 1,5 tháng. Các bác sĩ cho biết, nạo thai bình thường chỉ cần một lần là lấy gọn khối thai. Trong khi đó, với thai trứng, người ta phải nạo ít nhất là hai lần, vì nếu chỉ nạo một lần, có thể làm thủng tử cung. Tiếp sau đó, quá trình theo dõi những bệnh nhân thai trứng kéo dài 2 năm. Ngay sau khi nạo trứng, cần gửi tổ chức nạo để xét nghiệm giải phẫu bệnh lý xem thai trứng ác tính hay lành tính. Cần theo dõi sự co hồi của tử cung, nang hoàng tuyến, nhân di căn. Nếu thấy tử cung vẫn to, nang hoàng tuyến không mất đi hoặc xuất hiện nhân di căn thì nguy cơ ác tính rất cao.

N.P

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo