Đến bệnh viện (BV) để thăm hỏi, an ủi người bệnh hoặc bày tỏ niềm vui khi một em bé mới chào đời... vốn là thói quen truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, không phải không có lý do khi nhiều BV ở các nước tiên tiến hạn chế tối đa người thăm bệnh.
Người thăm rước bệnh, người bệnh mệt nhoài
Sau hơn 1 tuần chăm sóc con trai nhỏ nằm viện, chị Tr.M.H (30 tuổi; giáo viên ở quận Bình Thạnh, TP HCM) và chồng lại phải tất tả lo cho 2 bà mẹ. Trước đó 1 tuần, con trai chị H. bị bệnh tay chân miệng khá nặng phải nhập viện. Vậy là hai người bà ở quê vội vàng lên thăm cháu và túc trực luôn tại BV Nhi Đồng 1 dù đã có mẹ bé ở đó. Đêm, hai bà không chịu về nhà nghỉ mà trải chiếu nằm ở cầu thang vì lo “một mình mẹ cháu, lỡ có chuyện gì...”. Sau một tuần, bà nội bị sốt xuất huyết, còn bà ngoại cũng mắc cảm cúm khá nặng.
Anh Ng.V.Đ (40 tuổi, làm trong ngành truyền thông ở TP HCM) kể rằng sau những ngày nằm ở BV Nhân dân Gia Định vì mổ ruột thừa, về đến nhà anh chỉ thèm... ngủ. Đ. có nhiều bạn bè nên phòng bệnh hầu như lúc nào cũng có người lui tới, thậm chí ở lại vài giờ để kể chuyện, pha trò vì sợ anh buồn. Ít ai nghĩ đến việc sau ca phẫu thuật, anh rất cần được yên tĩnh nghỉ ngơi. “Người ta đến thăm vì muốn tốt cho mình, không lẽ bảo người ta về” - anh nói.
BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), cho biết các sản phụ cũng được nhiều người tới lui thăm hỏi. Điều đó xuất phát từ nhu cầu chia sẻ tình cảm khi gia đình đón một thành viên mới, ai cũng muốn thấy mặt cháu bé, chúc mừng sản phụ.
Nhiều người còn quan niệm rằng khi sản phụ về nhà thì không được đến thăm khi bé chưa qua mốc 1 tháng tuổi, vậy nên phải “tranh thủ” thăm lúc nằm viện. Thế nhưng, về mặt y khoa, phụ nữ vừa trải qua cuộc vượt cạn, gắng sức rất lớn, rất gian nan, mệt nhọc nên cần nhất là sự nghỉ ngơi. Họ rất cần người thân bên cạnh, đó là chồng, là mẹ. Những người thân khác và bạn bè cũng cần nhưng nên cân nhắc để có cách quan tâm phù hợp hơn, không hẳn đến thăm trực tiếp là hay.
Cảnh giác nguy cơ lây nhiễm chéo
Theo TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Nhi Đồng 1, BV là nơi cần sự yên tĩnh, sạch sẽ, an toàn. Nhiều gia đình có thói quen một người đến khám chữa bệnh thì có vài người đi kèm, chưa kể nhiều người ra vào thăm hỏi. Nếu người bệnh phải điều trị nội trú, không gian BV vốn chật chội lại càng thêm chật, môi trường BV trở nên ô nhiễm bởi tiếng ồn, khói thuốc lá (dù đã bị cấm), sự hắt hơi, ho khạc và cả những thói quen không bảo đảm vệ sinh... Sự quá tải người nhà và người thăm bệnh càng khiến người bệnh thêm mệt mỏi và thầy thuốc cũng bị căng thẳng, phân tâm không ít.
Theo bà Hà, với mô hình bệnh tật của các nước nhiệt đới, tỉ lệ những bệnh truyền nhiễm khá cao. Người đi thăm nuôi cần hiểu rõ rằng BV không phải là môi trường an toàn cho mình vì đó là nơi tập trung rất nhiều người bệnh ở các vùng khác nhau, mang nhiều loại mầm bệnh khác nhau. Người thăm nuôi có nguy cơ bị lây nhiễm các mầm bệnh này rồi lây cho gia đình hay phát tán ra cộng đồng.
“Do đó, nếu không thật sự cần thiết thì nên hạn chế vào BV. Nếu phải vào BV thì hãy tuyệt đối tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh để tránh lây nhiễm cho mình và người khác, như phải rửa tay trước và sau khi tiếp xúc người bệnh; đến với người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nằm trong khu vực cách ly thì phải mặc và cởi các phương tiện phòng hộ cá nhân (áo choàng, mũ, khẩu trang...) theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế” - BS Thanh Hà nhấn mạnh.
Bà Hà cảnh báo 2 đối tượng tuyệt đối không nên đi thăm bệnh, đó là trẻ nhỏ và người đang có bệnh. Người đang bệnh có thể phát tán mầm bệnh của mình đến những người nằm viện. Ngược lại, họ cũng dễ bị nhiễm bệnh từ chính người mà mình đi thăm hoặc từ các nguồn khác trong BV.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo có những giai đoạn bệnh, những loại bệnh mà việc thăm nuôi là không cần thiết và không nên. Đó là những trường hợp: đang phải nằm hồi sức, đang bị nhiễm trùng, vừa phẫu thuật xong, đang nằm phòng cách ly, sản phụ mới sinh trong vòng 1-2 ngày đầu... Đó là những lúc người bệnh cần sự chăm sóc y tế đặc biệt và không gian yên tĩnh để hồi phục. Nếu cần thiết phải nuôi bệnh thì gia đình chỉ nên chọn 1 người.
Quan tâm đúng lúc và đúng cách
BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải cho rằng khi đi thăm, mọi người cần chú ý quy định về giờ thăm nuôi của BV và cả thời gian sinh hoạt của người đang nằm viện. Ví dụ, giờ thăm bệnh buổi trưa thường để cho người thân giúp bệnh nhân ăn uống, thu xếp nghỉ ngơi… nên bạn bè không nên đến lúc này. Những giờ khác, có thăm cũng không nên nán lại lâu. Hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thăm hỏi nhau qua những tin nhắn, mạng xã hội...
Bình luận (0)