Tại ấp 3 và 4 xã Tam An nhiều năm nay tồn tại 2 cơ sở chữa bệnh “chui” nhưng được truyền tai nhau, lôi kéo người dân từ nhiều nơi về chữa bệnh, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự.
"Thánh cô" Nguyễn Thị E. đang chữa bệnh cho người dân. Ảnh: K.C
Đi gặp “thánh cô”
Theo lời chỉ dẫn của một tiểu thương tại chợ Long Thành, chúng tôi tìm đến nhà “thánh cô” tên Kiều, tại ấp 4, xã Tam An. Ngôi nhà nằm khuất cuối con hẻm, xung quanh xây tường bít kín, ẩm thấp. Bên trong có 4 người túc trực đón bệnh nhân và cảnh giới.
Người bệnh tên H.N.H. (41 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) cho biết bị đau nhức, liệt nửa người đã chạy chữa khắp nơi, kể cả đi nước ngoài chữa trị nhưng không khỏi. Sau khi dùng tay nắn vào vết thương, "thánh cô" phán: "Đã nhiều người bệnh còn nặng hơn anh, bác sĩ đều bó tay nhưng về đây tôi đều cứu được”. Dứt lời “thánh cô” gọi người đem đến một chai nước ngọt đựng rượu trắng, yêu cầu người bệnh cởi áo, rồi đổ rượu ra tay, thoa lên chỗ đau và hỏi: "Có thấy gì không? Có thấy tê tê không? Thấy bớt chưa?”…
Người bệnh chưa kịp trả lời, "thánh cô" đổ hết chai rượu lên đầu người bệnh rồi tiếp tục xoa, bóp lên đầu, tay và chân. Khoảng 10 phút chữa trị, “thánh cô" thở phào rồi đưa cho bệnh nhân một chai rượu, dặn đem về xoa bóp và uống "vài hôm là hết bệnh" (!?).
Sau anh H., "thánh cô" quay sang chữa cho ông cụ khoảng 60 tuổi đang có vẻ đau đớn vì căn bệnh gai cột sống hành hạ. Chúng tôi đợi ông chữa trị xong để hỏi thăm bệnh tình. Ông cho biết đã chữa trị tại đây hơn 2 tháng nay. “Nghe người ta nói ở đây chữa trị hiệu nghiệm nên đến thử, thế nhưng càng ngày thấy càng nặng hơn, không ngồi được dù mỗi ngày tôi đều nhờ con, cháu thoa rượu “thánh” với hy vọng sẽ hết bệnh", ông lão thều thào nói không ra hơi.
Rời nhà Kiều, theo lời đồn thổi của người dân, chúng tôi tìm đến nhà "thánh cô" E. (cách nhà "thánh cô" Kiều khoảng 2 km). Tương tự, nhà “thánh cô" E. nghi ngút nhang đèn, trước nhà một người đàn ông ngồi đón bệnh. Còn “thánh cô” nằm võng đợi bệnh trong nhà.
Sau khi xem thần sắc của tôi, "thánh cô" bắt cởi áo ra, rồi ra phía sau dùng tay áp vào vai như truyền nội công. Được khoảng 10 phút, "thánh cô" lấy 3 lá trầu và 1 chai rượu rồi xoa rượu lên lưng. Lát sau, "thánh cô" lấy cái chung nhỏ, ra ngoài bàn thiên đổ rượu vào đưa cho tôi và bảo “khấn tên tuổi rồi uống đi”.
Trước lúc ra về, chúng tôi còn được nhận một chai rượu nữa dặn về uống kèm theo lời hẹn “ngày mai lên tái khám”. Khi được hỏi về lễ vật và chi phí chữa bệnh, “thánh cô” nói: "Chỉ cần mua trái cây đến cúng được rồi. Tôi không dám lấy tiền, vì dạo này công an làm dữ quá. Mỗi ngày chỉ dám khám cho 10 - 20 người để… làm phước" (!).
Đã nhiều lần xử lý
Theo hồ sơ tại cơ quan chức năng huyện Long Thành, “thánh cô” Kiều tên thật là Trần Diễm C. (SN 1974, ngụ xã Tam An) và người còn lại là Nguyễn Thị E. (SN 1966, cùng ngụ xã Tam An). Trước đây, bà E. làm nghề buôn bán hàng rong, sau đó chuyển sang "hành nghề" chữa bệnh mê tín dị đoan tại xã Long An (huyện Long Thành). Một thời gian sau, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm, bà E. liền chuyển về xã Tam An hoạt động.
Ông Võ Văn Luật, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam An, cho biết: "Cả 2 trường hợp này đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm về chữa bệnh mê tín, đồng bóng, tụ tập đông người gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Sau đó công an xã đã nhiều lần mời lên viết cam kết không tái phạm".
Bình luận (0)