Lập gia đình không lâu, anh L.V.T (28 tuổi, ở Hà Nội) phát hiện "cậu nhỏ" của mình rất khó khăn, đau đớn trong mỗi lần quan hệ. Nghĩ đơn giản có thể do mới quan hệ nên anh T. cố gắng chịu đựng.
Cách đây 6 tháng, anh T. phát hiện "của quý" có hiện tượng chảy dịch, bốc mùi hôi và càng ngày tình trạng tổn thương càng nghiêm trọng khi bao quy đầu bị sưng to, rỉ máu, các tổ chức sùi ở vùng đầu dương vật... Tự điều trị bằng các loại thuốc bôi, thuốc uống nhưng không đỡ, anh T. mới tìm đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ.
Viêm nhiễm mãn tính do hẹp bao quy đầu kéo dài là yếu tố dẫn đến nguy cơ bị ung thư dương vật
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được phát hiện bị ung thư tế bào vẩy (tế bào gai) dương vật. Để bảo tồn chức năng phần còn lại của "của quý", các bác sĩ buộc phải cắt toàn bộ phần bao quy đầu và nạo vét hạch cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh nhân T. là một trong những trường hợp trẻ tuổi nhất bị ung thư dương vật buộc phải cắt bỏ một phần hoặc cắt vét hoàn toàn "chỗ ấy". Bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư ở giai đoạn 2 nhưng do điều trị muộn dẫn đến biến chứng, tổn thương nặng nề vùng bao quy đầu không thể cứu vãn nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ khoảng 1/5 dương vật của bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Minh, trước đó ít ngày, một bệnh nhân nam 45 tuổi ngụ Thanh Hoá cũng phải cắt cụt một phần dương vật và nạo vét hạch khối u. Bệnh nhân nhập viện khi xuất hiện các vết sùi ở đầu dương vật, "chỗ ấy" chảy mủ, sưng nề, có hạch cứng xâm lấn vùng quy đầu và có mùi hôi. Bệnh nhân này đã lấy vợ, sinh con bình thường nhưng vẫn bị hẹp bao quy đầu. Do tình trạng này khiến quá trình vệ sinh không bảo đảm dẫn đến dương vật bị viêm nhiễm, sưng to. Bệnh nhân cho biết vì mắc bệnh ở vùng "nhạy cảm" nên khi thấy bất thường ông cũng nấn ná mãi mới dám đi khám. Trước khi đến bệnh viện, ông đã có thời gian dài điều trị ở nhà và tại một số phòng khám tư.
Bác sĩ Minh cho biết có đến 90% bệnh nhân ung thư dương vật ở nam giới có tiền sử hẹp bao quy đầu, khoảng 5-10% còn lại có liên quan đến bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục như mào gà, nhiễm HPV... Khi bị hẹp bao quy đầu khiến quý ông khó khăn trong việc vệ sinh "chỗ ấy". Điều này dẫn đến tình trạng các chất dịch và chất cặn màu trắng ứ đọng, tích trữ dưới da bọc quy đầu dẫn đến viêm quy đầu, viêm đường tiết niệu. Tình trạng viêm nhiễm mãn tính do hẹp bao quy đầu kéo dài là yếu tố dẫn đến nguy cơ bị ung thư dương vật. "Chính vì thế, bệnh lý này cũng nhiều ở những người ngoài 50-60 tuổi, tuy nhiên những năm gần đây bệnh gặp khá nhiều ở người trẻ, dưới 40 tuổi. Mỗi năm Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đến khám, điều trị được chẩn đoán ung thư dương vật và hầu hết trong số này có tiền sử hẹp bao quy đầu"- bác sĩ Minh nói.
Từ nguyên nhân 90% do bệnh lý hẹp bao quy đầu của bệnh ung thư dương vật, bác sĩ Minh khuyến cáo các bậc cha mẹ kiểm tra bao quy đầu cho trẻ từ khi còn nhỏ, nếu có hẹp bao quy đầu nên xử trí càng sớm càng tốt. Thông thường trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới đẻ nhưng việc vệ sinh kém hoặc thủ thuật lộn tách bao quy đầu không đúng có thể dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý.
Để phòng tránh hẹp bao quy đầu cho trẻ trai, giới chuyên môn khuyến cáo cha mẹ có thể thực hiện nong nhẹ nhàng bao quy đầu bằng tay về phía gốc dương vật, mỗi ngày và dần dần thường làm khi trẻ đang tắm trong chậu nước hoặc sau khi tắm cho trẻ nằm ngửa trên giường. Việc này phải được làm hằng ngày bằng cách lộn nhẹ nhàng ra và rửa bằng nước sạch. Những trường hợp trẻ ở tuổi dậy thì (14-15 tuổi hoặc sớm hơn) nếu không tự lộn được bao quy đầu nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị, phòng tránh nguy cơ ung thư "cậu nhỏ" và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.
Theo bác sĩ Minh, hiện việc kỹ thuật phẫu thuật hẹp bao quy đầu khá đơn giản, bệnh nhân được thực hiện bằng phương pháp không gây chảy máu, giảm đau tốt nên được xuất viện ngay trong ngày và trở lại sinh hoạt nhanh chóng.
Bình luận (0)