Mức thu không chênh lệch lớn
Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương - TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Lãnh đạo nhiều bệnh viện (BV) tại TPHCM khẳng định khung giá mới chỉ là sự “tính đúng, tính đủ” để thay cho khung giá cũ đã quá lỗi thời, chứ không thể tạo thêm khoản dư cho các BV. Còn việc đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị là việc các BV phải làm cho dù có tăng hay không tăng viện phí.
Bệnh viện đỡ vất vả hơn trước
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TPHCM, khung viện phí được điều chỉnh sẽ tạo điều kiện cho các BV đầu tư nâng cấp trang thiết bị, kỹ thuật. “Y học tiến bộ từng ngày, ví dụ mổ xoang bây giờ nhất thiết bằng phẫu thuật nội soi; mổ tai xưa bằng đục, khoan thô sơ, giờ bằng khoan siêu tốc…; kỹ thuật cao thì tốn kém hơn. Dù viện phí không tăng thì BV vẫn phải đầu tư khoa học kỹ thuật và tìm cách trang trải nhưng nếu viện phí hợp lý thì chúng tôi có thể mạnh dạn đầu tư hơn” – PGS-TS-BS Dung nói.
ThS-BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết: Tăng viện phí đồng nghĩa với việc BV phải chuẩn bị về cơ sở vật chất để tăng chất lượng khám chữa bệnh. Ông nói: “Phải làm thế nào để người dân thấy việc tăng này là hợp lý: họ cần được chẩn đoán nhanh, điều trị và chăm sóc tốt hơn. Ví dụ ngày xưa để biết được bệnh nhân có bị lao hay không, là lao thường hay lao đa kháng thuốc… phải mất 2-3 tháng, nay nhờ hệ thống máy chẩn đoán mới thì chỉ mất 90 phút”. BS Dũng cũng cho biết sắp tới, BV sẽ tiếp tục kiến nghị, xin chủ trương để được tính đúng, đủ thêm một số dịch vụ đặc thù về lao và bệnh phổi không nằm trong danh mục được điều chỉnh lần này.
BS chuyên khoa II Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, cho rằng tăng viện phí giúp các BV thêm kinh phí trang trải các khoản vay đầu tư trước đó; từ đó có thể tái đầu tư và nâng cấp thêm nhiều trang thiết bị, dịch vụ… Đối với các hạng mục được điều chỉnh xuống trong đợt điều chỉnh viện phí lần này, BV đã điều chỉnh ngay. Đối với các hạng mục điều chỉnh lên, BV đã có sự chuẩn bị và sẽ báo cáo với Sở Y tế TPHCM để được thông qua trong thời gian tới.
Dịch vụ y tế là những khoản thu trực tiếp nhất
Theo lãnh đạo một số BV, việc thực hiện khung viện phí mới càng sớm thì người bệnh càng có lợi, nhất là bệnh nhân BHYT.
Sớm nhất phải sau tháng 5-2012 mới áp dụng Thông tư điều chỉnh viện phí bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-4, tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều BV, chưa thể áp dụng mức giá mới vì vẫn đang xây dựng mức giá phù hợp. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết với BV hạng đặc biệt như Bạch Mai thì giá các dịch vụ đều được đề nghị ở mức tối đa. Với mức tính này, giá tiền giường sẽ được thu ở mức 70.000 đồng/người/ngày, giá khám chữa bệnh là 20.000 đồng/người và mức này vẫn chưa đủ bù đắp các chi phí thực tế mà BV bỏ ra nhưng đã phần nào cũng giảm bớt khó khăn cho BV. “Vì thời gian quá gấp gáp nên tuần tới, BV mới có thể trình Bộ Y tế mức thu viện phí sẽ áp dụng tại BV và nhanh nhất trong tháng 5, BV mới có thể “áp” khung giá mới này. Trong thời điểm giao thời, BV vẫn duy trì mức viện phí cũ đối với bệnh nhân khám chữa bệnh có BHYT”- ông Hiền cho biết. Theo ông Nguyễn Nam Liên, viện phí chưa thể tăng ngay bởi theo quy định Bộ Y tế có trách nhiệm quy định mức thu tại các BV tuyến Trung ương; UBND tỉnh, TP trình HÐND cùng cấp quy định mức thu tại các cơ sở y tế do địa phương quản lý. Vì vậy, viện phí mới chỉ được áp dụng sau khi bộ trưởng Bộ Y tế và chủ tịch UBND các tỉnh, TP phê duyệt khung viện phí áp dụng tại các BV trực thuộc quyền quản lý của mình. Với các BV trực thuộc Bộ Y tế, sớm nhất cũng phải trong tháng 5 và các BV địa phương khoảng tháng 6 - 7 tới mới triển khai được chính sách viện phí mới.
N. Dung |
Kỳ tới: Nặng gánh viện phí, phụ phí
Bình luận (0)