Hàng ngàn ca mổ thành công và con số 0,2% đáng tự hào
Khoa Chấn thương chỉnh hình là một trong những chuyên khoa nổi bật nhất của Bệnh viện FV khi hội tụ đội ngũ bác sĩ giỏi nghề, sở hữu hệ thống trang thiết bị, công nghệ tối tân. Đặc biệt khoa còn có được sự dẫn dắt của trưởng khoa là TS.BS Lê Trọng Phát, người đã được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Đức.
Bác sĩ Lê Trọng Phát
Trong sự nghiệp của mình suốt 22 năm tại Đức và 11 năm tại Việt Nam, BS Lê Trọng Phát đã thực hiện hơn 3.000 ca phẫu thuật thay khớp háng và 4.000 ca phẫu thuật thay khớp gối, trong đó có hơn 800 ca thực hiện tại Bệnh viện FV từ năm 2010.
Theo BS Phát, có nhiều yếu tố tạo nên thành công cho Khoa Chấn thương chỉnh hình của FV. Một trong số đó là con số đặc biệt: 0,2%. Đây là tỉ lệ nhiễm trùng của bệnh nhân tại Bệnh viện FV và là con số "không tưởng" nếu như biết tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu chiếm khoảng 5% (theo WHO) và tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện từ 3,5% đến 10% số người nhập viện (theo số liệu của Bộ Y tế năm 2019).
Lý giải thêm về tầm quan trọng của tỉ lệ này, BS Phát cho biết quy trình về kiểm soát nhiễm khuẩn của FV cực kỳ nghiêm ngặt, môi trường điều trị tương đương với các bệnh viện tại châu Âu. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp tỉ lệ nhiễm trùng - một trong những nguy cơ rất lớn đối với bệnh nhân phẫu thuật - ở mức tối thiểu. Bởi đối với các ca cấy ghép vật liệu nhân tạo như thay khớp, nếu khớp bị nhiễm trùng thì hậu quả bệnh nhân phải chịu là sự đau đớn và quá trình điều trị kéo dài, thậm chí phải mổ lại để lấy khớp nhân tạo ra, khi đó xem như ca mổ đã thất bại.
Mong nhiều người dân được điều trị theo chuẩn quốc tế với chi phí hỗ trợ
Phục hồi chức năng vận động nhanh sau những ca phẫu thuật là giá trị rất lớn mà Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện FV mang lại cho các bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của các thiết bị hỗ trợ và chuyên viên vật lý trị liệu, bệnh nhân có thể bắt đầu đi lại vào ngày hôm sau sau khi phẫu thuật và thường có thể xuất viện sau 6 hoặc 7 ngày, khi đã có thể tự đi lại bằng khung đỡ hoặc nạng. Bệnh nhân có thể đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ sau 4 đến 6 tuần, có thể bơi sau 2 tuần hoặc đạp xe sau 5 đến 6 tuần.
"Sở dĩ đạt được điều này là nhờ tất cả vật tư y tế, thiết bị cấy ghép sử dụng tại Bệnh viện FV đều là sản phẩm chất lượng cao, được chứng nhận tại Mỹ hoặc châu Âu. Bên cạnh đó, các bác sĩ tại đây luôn ưu tiên áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, ít xâm lấn như phương pháp SuperPATH đối với phẫu thuật khớp háng và phương pháp Midvastus đối với phẫu thuật khớp gối, đặc biệt là bảo tồn chức năng cơ (không cắt bỏ cơ) cho phép bệnh nhân phục hồi nhanh chóng", bác sĩ Phát phân tích.
Song, điều trăn trở nhất của BS Phát chính là mức viện phí của các ca thay khớp còn khá cao do vật liệu cấy ghép cũng như đòi hỏi kỹ thuật cao, đây là một vấn đề lớn với nhiều bệnh nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, tin vui là mới đây FV đã ký kết cùng Bảo hiểm xã hội TP HCM tạo điều kiện để các bệnh nhân thay khớp vai, khớp gối, khớp háng được bảo hiểm hỗ trợ chi trả nếu có BHYT. Theo đó, bệnh nhân có thể cùng lúc sử dụng bảo hiểm y tế nhà nước, bảo hiểm y tế tư nhân hay bảo hiểm y tế quốc tế để giảm nhẹ đáng kể viện phí.
"Đây là cách để ngày càng có nhiều bệnh nhân có thể tiếp cận được với các kỹ thuật điều trị chất lượng cao để nâng cao chất lượng sống, đồng thời hiện thực hóa mong muốn của đội ngũ y bác sĩ cùng lãnh đạo FV, đó là ngày càng nhiều người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chuẩn quốc tế tại Việt Nam bằng mức chi phí được hỗ trợ khi tham gia BHYT" - BS Phát chia sẻ.
Bình luận (0)