Theo thống kê tính đến 17 giờ chiều 9-8 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca đậu mùa khỉ toàn thế giới đã vọt lên 31.800 ca, phân bố trên 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chỉ có 375 ca ở vùng lưu hành trước đây - một số nước Trung và Tây Phi.
Tuy nhiên đây có thể là thống kê chưa đầy đủ bởi theo CDC thì toàn châu Phi số ca ở các nước đã lưu hành và chưa lưu hành trước đây cộng lại chỉ là 382 ca, trong khi CDC châu Phi thì khẳng định số ca đã trên 2.800.
Một bệnh nhân được tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ ở Ý - Ảnh: REUTERS
Chênh lệch này là do châu Phi có năng lực xét nghiệm cực kỳ hạn chế nên số ca được khẳng định bằng xét nghiệm tuy ít nhưng số ca thực tế đã được chẩn đoán lâm sàng cao hơn rất nhiều.
Quốc gia có số ca được xác định cao nhất thế giới là Mỹ - 9.492 ca. Theo Reuters, ngoài phê duyệt kiểm tiêm trong da mới, giúp 1 mũi vắc-xin có thể tiêm cho 5 người thay vì 1 với kiểu tiêm dưới da "truyền thống", chính phủ Mỹ đã tuyên bố mua công thức thuốc kháng virus Tpoxx trị giá 26 triệu USD của Siga Technologies Inc .
Thông tin này được nhà sản xuất cho biết hôm 9-8 và nói thêm công ty có kế hoạch giao đơn hàng vào năm tới. Đây là thuốc tiêm dùng qua đường tĩnh mạch, là lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân không thể nuốt thuốc uống nếu bị phồng rộp mạnh trong miệng.
Công thức thuốc uống và tiêm tĩnh mạch Tpoxx thực ra mới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận điều trị bệnh đậu mùa chứ chưa phê duyệt để điều trị đậu mùa khỉ. Tuy nhiên CDC đã cung cấp sớm hướng dẫn sử dụng nó dưới dạng "tiếp cận mở rộng".
Cũng hôm 9-8, Financial Times đưa tin Anh sẽ hết vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ trong khoảng 2-3 tuần tới và sẽ không nhận được thêm lô nào cho đến cuối tháng 9. Nhà chức trách Anh khuyến cáo hồi tháng 6 rằng các nam giới thuộc cộng đồng MSM có nguy cơ tiếp xúc đậu mùa khỉ cao nên tiêm ngừa.
Tuy nhiên khuyến cáo hiện tại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cho rằng vắc-xin hiện chỉ cần tiêm ở người đã tiếp xúc với bệnh nhân và các nhân viên y tế trực tiếp làm việc với mầm bệnh, trong bối cảnh vắc-xin hiện không có mặt ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, bao gồm châu Phi - nơi dịch bệnh bùng phát nhiều năm nay. CDC châu Phi đã báo cáo 103 ca tử vong trong năm.
Nghiên cứu mới: Tiếp xúc da kề da là đường lây chính
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học hàng đầu thế giới The Lancet khẳng định tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục vẫn là đường lây chính của bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát toàn cầu này
Nhóm khoa học gia hợp tác giữa Bệnh viện Đại học 12 de Octubre, Bệnh viện Đại học Valld'Hebron - Tây Ban Nha, Bệnh viện Đại học Trias nước Đức, Trường Vệ sinh và y học Nhiệt đới London - Anh và Tổ chức Fights Against Infections đã kiểm tra 181 trường hợp được xác định mắc đậu mùa khỉ từ Madrid và Barcelona, 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch đậu mùa khỉ ở Tây Ban Nha.
Các bệnh nhân có các triệu chứng từ điển hình đến không điển hình. Tuy nhiên điểm nổi bật nhất là dù các bệnh nhân đợt này so với các đợt bùng phát lẻ tẻ những năm trước có vẻ có sang thương da nhẹ hơn, tuy nhiên tải lượng virus ở da của họ vẫn gấp 1.000 lần so với cổ họng.
Theo đó, khả năng lây truyền qua tiếp xúc da kề da vẫn là cao nhất so với mối lo ngại lây truyền qua đường hô hấp.
Bình luận (0)