Như vậy tính từ đầu tháng 2-2006 đến nay, tại TPHCM đã có 2 trường hợp tử vong do nâng ngực.
Theo lời người nhà của nạn nhân, khoảng 13 giờ ngày 21-2, chị N.K.C đã đưa một cô gái chuyên làm thẩm mỹ dạo về nhà để nâng ngực. Sau đó, chị N.K.C cảm thấy mệt mỏi và bỏ ăn. Đến lúc này, người nhà nạn nhân cũng không ai biết chị đã bơm ngực vì chị giấu gia đình, đưa cô gái làm thẩm mỹ vào phòng riêng. Sang ngày hôm sau, khi mẹ của chị N.K.C vào phòng phát hiện con gái nằm bất tỉnh, sùi bọt mép mới đưa đến BV Chợ Rẫy. Lúc này, gia đình mới biết chị N.K.C đã bơm ngực bằng mỡ nhân tạo. Bác sĩ Phạm Hồng Trường, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp nặng, hôn mê, tụt huyết áp. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hồi sức cấp cứu nhưng chị N.K.C đã tử vong do hội chứng nguy ngập hô hấp diễn tiến nặng. Hiện nay, giám định pháp y TP đang tiến hành mổ xét nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân gây tử vong và xác định chất bơm ngực là gì. Theo lời người nhà nạn nhân, đây là mỡ nhân tạo nhưng bác sĩ Trường cho rằng có thể đây là silicon.
Trao đổi với bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, ông cho biết hiện phía sở không thể kiểm soát được những cơ sở thẩm mỹ chui hoặc người hành nghề thẩm mỹ dạo. Chính tâm lý của những người muốn làm đẹp luôn giấu giếm đã tiếp tay cho những người hành nghề trái phép. Sở Y tế chỉ có thể xử phạt và buộc những cơ sở y dược tư nhân có đăng ký giấy phép chịu trách nhiệm với gia đình nạn nhân khi xảy ra sự cố. Theo bác sĩ Nghiệm, việc phát hiện những cơ sở hành nghề y dược tư nhân trái phép không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương mà còn có sự phối hợp từ phía người dân để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra. Hiện gia đình nạn nhân không liên lạc được với người làm thẩm mỹ dạo vì người này đã tắt điện thoại di động. Sở Y tế cũng đang tiến hành xác minh vụ việc.
Bình luận (0)