Trước đây, ung thư gan (UTG) thường được phát hiện qua hình thức siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp MRI nhưng độ chính xác có giới hạn. Những kỹ thuật này chỉ giúp biết được có khối u cũng như kích thước khối u mà chưa thể khẳng định bệnh nhân có mắc UTG hay không. Đã vậy, để kiểm tra đây là u lành hay ác tính còn phải trải qua giai đoạn sinh thiết.
Xác định ung thư hay lành tính
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Việt Nam, UTG đang đứng vị trí thứ 2 trong tổng số các bệnh ung thư. Nguyên nhân là do tỉ lệ viêm gan siêu vi B và C ở nước ta chiếm tỉ lệ cao. Bệnh lại xuất hiện âm thầm nên người mắc không thể phát hiện sớm, đến khi có biểu hiện thì bệnh đã chuyển sang ung thư giai đoạn muộn. Những người có nguy cơ mắc UTG cao là từ độ tuổi 40 trở lên.
Đa phần UTG được phát hiện khi khối u khoảng 3-4 cm ở một bên gan (giai đoạn 2). Những năm gần đây, ý thức phòng bệnh của người dân tăng lên, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ bằng chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao đã giúp phát hiện những khối u chỉ 1-2 cm (giai đoạn đầu).
Sớm phát hiện UTG sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao, tỉ lệ sống còn của bệnh nhân cũng theo đó tăng lên. Thế nhưng, do khối u giai đoạn đầu còn nhỏ, khó xác định chính xác đây là UTG nguyên phát, di căn từ nơi khác hay lành tính nên gây khó khăn trong công tác điều trị. Điều này đã khiến bệnh nhân sống trong tâm trạng chờ đợi, lo sợ, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và chất lượng sống.
Hiện nay, với kỹ thuật kết hợp giữa chụp MRI và sử dụng thuốc cản từ Primovist, việc phát hiện UTG đã trở nên dễ dàng hơn. Theo bác sĩ (BS) Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa (Medic) TP HCM, đây là kỹ thuật hiện đại nhất giúp phát hiện UTG với kết quả cao nhất mà không cần thực hiện sinh thiết.
“Nói một cách dễ hiểu, chất cản từ khi được bơm vào tĩnh mạch sẽ đi tìm tế bào UTG để “khoanh” lại, kết hợp với MRI sẽ cho kết quả đây là tế bào UTG nguyên phát, di căn hay lành tính. Kỹ thuật này giúp giải quyết bế tắc của siêu âm: Phát hiện khối u nhưng không biết bản chất khối u này là gì” - BS Phan Thanh Hải giải thích.
Chưa được sử dụng rộng rãi
Trên thế giới, kỹ thuật này đã được áp dụng cách đây 5 năm và là kỹ thuật chẩn đoán UTG hiện đại nhất với hiệu quả cao nhất. Tại Việt Nam, hiện chỉ có Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic được phép nhập thuốc cản từ để thực hiện kỹ thuật hiện đại này. Với kỹ thuật mới, bệnh nhân chỉ mất thời gian 1 giờ kiểm tra để có được hình ảnh và kết quả chẩn đoán.
BS Phan Thanh Hải cho biết: “Trước đây, để thực hiện chẩn đoán UTG bằng kỹ thuật này tại Singapore, bệnh nhân phải mất 1.500 SGD (khoảng hơn 25 triệu đồng), chưa tính chi phí ăn ở và đi lại. Trong khi đó, tại Việt Nam, chi phí để thực hiện một ca chẩn đoán chỉ 7 triệu đồng, giúp giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân nhưng cho kết quả không thua kém so với nước ngoài”.
So với kỹ thuật chẩn đoán phát hiện UTG theo phương pháp PET-CT có sử dụng chất đồng vị phóng xạ 18 FDG, kỹ thuật MRI dùng thuốc cản từ được xem là bước tiến mới. Người bệnh không phải nhận nguồn phóng xạ do chất đồng vị gây ra mà chi phí lại thấp hơn rất nhiều.
Tuy là kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện UTG với độ tin cậy cao, giảm chi phí cho bệnh nhân, giúp các bác sĩ có cơ hội nâng cao tay nghề nhưng trên thực tế, kỹ thuật này chưa được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện để giúp bệnh nhân điều trị sớm, tăng thêm cơ hội sống trước một căn bệnh đáng sợ của thời đại.
Bình luận (0)