Theo Bộ Y tế, những phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua tương đương với số liệu do nhà sản xuất cung cấp.
Mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19
Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 60.000 người tại 19 tỉnh/thành thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 (đạt 67%). Đây là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương. Đến thời điểm này đã có 8 tỉnh kết thúc tiêm đợt 1 là Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình và Hà Giang.
Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vắc-xin Covid-19 lần 2 từ nguồn vắc-xin 811.200 liều do COVAX Facility tài trợ. Theo phân bổ của Bộ Y tế, TP HCM và Hà Nội là 2 địa phương được phân bổ vắc-xin nhiều nhất, trong đó TP HCM nhận trên 56.000 liều, TP Hà Nội trên 53.000 liều. Tiếp đến là các địa phương có dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, như tỉnh Hải Dương trên 43.000 liều, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An được phân bổ 18.000-20.000 liều/địa phương. Các địa phương khu vực phía Nam cũng được phân bổ số lượng lớn với 245.350 liều, trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ nhận 6.700 liều, CDC Đồng Tháp 16.150 liều, CDC Bình Dương 15.100 liều... Khu vực Tây Nguyên nhận 49.000 liều. Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ tới lực lượng công an 30.000 liều, lực lượng quân đội 80.000 liều..
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương
Theo Bộ Y tế, vắc-xin đang được tiêm tại Việt Nam do AstraZeneca sản xuất có hạn sử dụng 6 tháng, khi tiếp nhận, thời gian còn lại để sử dụng không nhiều. Vì vậy, kế hoạch tiêm cần triển khai khẩn trương và xem xét mở rộng đối tượng tiêm. Với các trường hợp đã tiêm vắc-xin đợt 1, cần triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1. Trong đợt 2, đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ mở rộng ra 10 nhóm ưu tiên (lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhân viên cán bộ ngoại giao, người mắc bệnh mạn tính, giáo viên, người làm trong các dịch vụ thiết yếu như: cung cấp dịch vụ điện - nước, nhân viên hàng không, nhân viên hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người…).
Phản ứng sau tiêm tương đương khuyến cáo
Bộ Y tế cũng cho biết trong quá trình tiêm vắc-xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như: đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn; các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm. Đây là dấu hiệu bình thường. Ngoài ra, có khoảng 0,1% trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm (phản ứng nặng sau tiêm), được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết mọi loại vắc-xin đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng. "Thời gian qua, một số trường hợp tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở nước ta dù chưa phải xử lý phản vệ độ 2 nhưng đã được cấp cứu ở mức độ cao hơn. Với phản ứng sau tiêm chủng, điều quan trọng nhất phải xử lý ngay và cao hơn một mức so với quy định để bảo đảm an toàn cho người tiêm" - ông Long nhấn mạnh.
Bình luận (0)