Các giải pháp điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đã và đang được tính toán, giải quyết, trong đó quyết sách bền vững cho vấn đề này là dựa vào nguồn BHYT.
Người bệnh chới với
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tính đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 300.000 người nhiễm HIV, số bệnh nhân hiện còn sống là khoảng 227.000 người. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được báo cáo, số ca nhiễm bệnh thực tế trong cộng đồng còn cao hơn nhiều. Nhóm tuổi nhiễm HIV chủ yếu từ 20 đến 40.
TP HCM là một trong những “điểm nóng” nhất cả nước về số người nhiễm HIV. Theo bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP HCM, đến nay, toàn TP đã có 57.000 người nhiễm HIV và gần 11.000 người tử vong do AIDS. Số người nhiễm hiện còn sống khoảng 46.000.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong số trường hợp nhiễm HIV đang còn sống, gần 30.000 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Lâu nay, kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của TP HCM chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ. Năm 2017, nguồn tài trợ này bị cắt giảm hoàn toàn và khi đó, việc cấp phát thuốc điều trị ARV không còn miễn phí như trước, người bệnh sẽ phải thanh toán phần lớn chi phí điều trị.
“Đa số bệnh nhân HIV thuộc diện nghèo, khả năng chi trả rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận và tuân thủ điều trị liên tục, từ đó khó kiểm soát được tình trạng kháng thuốc” - ông Hưng băn khoăn.
Duy trì sự sống từ BHYT
Theo Bộ Y tế, với số người nhiễm mới HIV ngày càng tăng trong khi các nguồn viện trợ bị cắt đứt thì việc chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đang gặp nhiều thách thức. Ước tính mỗi năm, số tiền chi trả cho loại thuốc ARV điều trị HIV/AIDS là khoảng 420 tỉ đồng. Đây là con số không nhỏ, nếu cắt viện trợ, gánh nặng chỉ còn đè lên vai người bệnh.
Vì vậy, một trong những “phao cứu sinh” hướng đến là khuyến khích bệnh nhân HIV/AIDS sang điều trị diện BHYT. Chỉ có nguồn này mới giúp người nhiễm HIV giảm bớt chi phí điều trị, duy trì sự sống.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là tỉ lệ bệnh nhân HIV/AIDS đang tham gia BHYT còn quá thấp. Chỉ riêng tại TP HCM, theo ông Hưng, trong số khoảng 30.000 người nhiễm HIV đang điều trị thì chỉ mới 70% có thẻ BHYT. Mặt khác, hiện TP có 46 phòng khám tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho bệnh nhân nhưng chỉ 20 đơn vị đủ điều kiện thanh toán BHYT.
Theo Bộ Y tế, trong công tác thu dung điều trị, cả nước hiện có 116.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị bằng ARV tại 397 cơ sở và 33 điểm cấp thuốc khác. Tuy nhiên, mới chỉ có 185 cơ sở đủ điều kiện ký hợp đồng thanh toán BHYT.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, sắp tới sẽ có 3 phương án kiện toàn cơ sở điều trị các bệnh nhân này qua BHYT. Cụ thể, đối với bệnh viện (BV) hoặc trung tâm y tế dự phòng có 2 chức năng (dự phòng và điều trị), sẽ tái tổ chức cơ sở điều trị HIV/AIDS để bảo đảm điều kiện thanh toán BHYT. Đối với trung tâm y tế dự phòng một chức năng (chỉ dự phòng, không điều trị), sẽ thành lập phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS hoặc chuyển bệnh nhân sang BV đa khoa cùng tuyến quận/huyện. Đối với trung tâm phòng chống HIV/AIDS, sẽ thành lập phòng khám chuyên khoa.
Còn nhiều thách thức
Tại một số hội nghị gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long không ít lần nhấn mạnh phải tạo điều kiện để 100% bệnh nhân HIV/AIDS được mua thẻ BHYT.
Theo ThS-BS Trần Nguyễn Ái Thanh (BV Thủ Đức, TP HCM), phòng khám HIV/AIDS của BV đang quản lý điều trị 170 bệnh nhân (94% có BHYT), trong đó 52% là lao động tự do, 28% là công nhân, còn lại là nội trợ. Dù phòng khám khang trang nhưng bệnh nhân lại ngại đến điều trị do tâm lý; nhân lực còn thiếu kinh nghiệm; chưa tích hợp 2 chương trình quản lý của BV và mạng eClinica của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS...
Trong khi đó, lãnh đạo ngành y tế TP HCM nêu ra nhiều khó khăn trong công tác BHYT cho người nhiễm HIV, như: không có điều kiện mua thẻ BHYT; nhiều người nhiễm sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú và việc làm ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT; sợ bị kỳ thị, phân biệt nên không muốn tham gia BHYT dù có điều kiện; có thẻ BHYT nhưng không sử dụng...
Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH
TP HCM, các phòng khám ngoại trú tại TP cần nhanh chóng đáp ứng đủ các điều kiện để sớm ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, Bộ Y tế cần mở rộng danh mục thuốc cho tuyến quận/huyện để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người có thẻ BHYT, đặc biệt là bệnh nhân HIV/AIDS.
Các chuyên gia cho rằng việc triển khai khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là có ý nghĩa nhân văn. Song, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp - từ sự chỉ đạo, ban hành quy định mới cho đến tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục...
Phấn đấu 100% người nhiễm có BHYT
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, TP HCM đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở điều trị HIV/AIDS với mục tiêu 100% bệnh nhân tham gia BHYT trong thời gian tới.
Trên phạm vi cả nước, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho hay dự kiến trong năm 2017, số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT sẽ tăng đến 50% và năm 2018 sẽ là 60%. BHYT cũng sẽ thanh toán thuốc đặc trị ARV theo tỉ lệ tương ứng là 30% và 50%.
Bình luận (0)