Trong cuộc sống hiện đại chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, căng thẳng thì thiền là một phương pháp để lấy lại sự cân bằng.
Bốn phương pháp thiền
Chữ “thiền” có nguồn gốc từ chữ Dhyana (Sankrist) hay Jhanas (Pali), người Trung Quốc gọi là Chan, người Nhật Bản gọi là Zen, có nghĩa là cách quan sát, nhận thức, theo dõi hơi thở của mình.
Ở đây chỉ đề cập đến thiền theo phương pháp điều tức. Khi điều tức nghĩa là kiểm soát được hơi thở thì sẽ đem lại sự cân bằng bình thường cho các chức năng của cơ thể, qua đó giúp tự kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình.
Giảm stress, tăng cường sức khỏe
Nguyễn Thị Đào, sinh viên Trường Đại học Luật TP HCM, cho biết mỗi khi mùa thi tới thì chuyện ôn bài khiến cô căng thẳng, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi và hay cáu gắt, tâm trạng không ổn định. Cô tìm giải pháp để ổn định tâm trạng của mình và thấy tập thiền là thích hợp nhất. Hằng ngày, mỗi khi thấy mệt mỏi, căng thẳng, cô lại ngồi thiền. Phương pháp thiền của cô hết sức đơn giản, chỉ ngồi nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể, tập hít thở và tập trung vào hơi thở sẽ thấy tâm trạng tốt hơn, cũng đỡ cáu gắt hơn và điều đặc biệt là cô thấy mình tập trung hơn trước, kết quả học tập cũng tốt hơn.
Thiền sư Thích Trúc Thái Vinh, chùa Diệu Pháp, người đã tập thiền trên 15 năm, cho biết khi thiền thì cơ thể được thả lỏng, hít thở từ từ chậm rãi sẽ giúp khí huyết lưu thông, nhịp thở thấp dần, nhịp tim chậm lại, tâm thức lộn xộn sẽ được kiểm soát. Khi hít thở một cách chậm rãi, theo dõi hơi thở thì ta có thể kiểm soát được suy nghĩ và ruồng bỏ những suy nghĩ tiêu cực và làm chủ được hành động của mình.
Chị Mai Thị Thùy Dung, hiện làm việc tại Văn phòng Công chứng quận 1, TP HCM, do tính chất công việc hằng ngày nên thường bị stress nặng và tìm đến thiền. Hằng ngày chị dành 15 phút vào mỗi tối sau khi hoàn tất mọi công việc, tập ngồi hít thở và đếm hơi thở. Khi ngồi thiền, mọi ý nghĩ, hành động đã lần lượt hiện ra trong suy nghĩ của chị sau đó biến mất và chị chỉ tập trung vào việc đếm hơi thở. Mỗi khi ngồi thiền xong, chị ngủ ngon hơn và không suy nghĩ gì tới công việc nữa, vì vậy stress cũng giảm đáng kể.
Lương y Đinh Công Bảy cho rằng dưới cái nhìn của y học thì tập thiền thường xuyên sẽ giúp đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái tĩnh. Đó là trạng thái tập trung ức chế đồng đều cả nơron thần kinh cảm giác lẫn nơron thần kinh vận động, tập trung bắt đầu từ vỏ não và hệ thần kinh vận động.
Khi tập thiền, người tập dần dần điều khiển được hoạt động của vỏ não, chủ động ức chế hệ thần kinh động vật, từ đó dẫn đến ức chế hệ thần kinh thực vật mà trước tiên là các trung khu hô hấp, làm giảm nhịp thở kèm theo sự thư giãn chủ động, buông lỏng hoàn toàn các cơ. Khi đã ức chế sâu, thư giãn cơ sâu thì nhịp thở rất thấp, năng lượng tiêu hao xuống tối thiểu, cơ thể rơi vào tình trạng như một giấc ngủ mà vẫn tỉnh thức, hô hấp trên từng tế bào cơ thể đều giảm đến mức tối thiểu.
Các nhà khoa học khi đo hoạt động tưới máu não trong lúc tập thiền, thấy lượng máu được tưới chỉ tập trung vào một số vùng nhất định, trong khi lượng máu tưới các vùng khác giảm một cách đáng kể, không làm tiêu hao nhiều năng lượng cho các hoạt động vỏ não. Điều này chứng minh tại sao tập thiền đem lại giấc ngủ tỉnh thức, một trạng thái thanh thản, yên bình, giúp cơ thể điều hòa những chức năng hoạt động của khí huyết và các tạng phủ.
Thiền được xem như một bộ môn thể dục bảo vệ sức khỏe, dễ tập, do vậy được nhiều người theo tập.
Nhiều nơi dạy thiền Có rất nhiều cách để tập thiền như tập tại nhà, tập hợp thành nhóm tới công viên để tập, một số lại tìm đến các chùa có mở lớp thiền để theo học. Thiền sư Thích Đồng Bổn, Trụ trì chùa Xá Lợi, cho biết chùa mở lớp thiền cho những ai có nhu cầu, hiện có khoảng 60 người đang tập ở đây. Còn tại Thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, TP HCM, số lượng người tham gia lớp thiền rất đông, ở mỗi buổi học đều có các thiền sư chỉ giảng cách thức ngồi thiền. Ngoài ra, tại TP HCM cũng có rất nhiều chùa mở lớp thiền như Thiền viện Tuệ Quang, chùa Quang Thọ... |
Bình luận (0)