Gần đây, thị trường đồ điện gia dụng Hà Nội và một số địa phương khu vực phía Bắc xuất hiện loại thiết bị “ăn cắp” điện tinh vi, giá khá “bèo”... đến từ Trung Quốc. Sau nhiều ngày lân la tìm hiểu, chúng tôi đã xác định chợ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chính là một trong những đầu mối tuồn loại hàng này vào VN.
“Ăn cắp” đến 30% lượng điện sử dụng?
Theo chân gia đình anh bạn ở Hà Nội lên Lạng Sơn du lịch và mua hàng tiêu dùng, chúng tôi có mặt tại chợ cửa khẩu Tân Thanh vào ngày cuối cùng của tháng 11. Mới 9 giờ, hàng đoàn người chen chúc nhau bên những quầy hàng điện tử. Cố len lỏi vào một quầy hàng nhỏ, một thanh niên nói giọng Việt lơ lớ đang quảng cáo chào bán những thiết bị “ăn cắp” điện.
Theo cách tiếp thị của người thanh niên này, chỉ cần cắm thiết bị vào đầu nguồn điện sử dụng trong nhà, lượng tiêu thụ điện năng sẽ giảm từ 15% - 30%, tùy theo chủng loại và giá tiền. Trên bảng táp lô, một đồng hồ điện được nối vào một bóng đèn tròn công suất 400 W/h đang được bật sáng, chiếc đĩa từ nằm trong đồng hồ điện (đánh dấu mức độ đang tiêu thụ điện) quay với tốc độ “chóng mặt”, bỗng giảm đột ngột rồi đủng đỉnh quay khi thiết bị “ăn cắp” điện được gắn vào nguồn điện. Chúng tôi được chủ cửa hàng chào bán 3 loại thiết bị với kích cỡ, giá tiền khác nhau. Loại nhỏ nhất, chỉ lớn hơn bao thuốc lá một chút được bán với giá 90.000 đồng/máy; loại trung bình lớn hơn hai bao thuốc lá giá 110.000 đồng/máy; loại lớn nhất bằng quyển bách khoa toàn thư, giá tròm trèm 400.000 đồng/máy. Chưa tin tưởng lắm, tôi hỏi: “Máy có bảo đảm không, hay “xài” vài bữa rồi vứt?”. Anh ta nhanh nhảu đáp: “Ngộ từ bên kia qua đây bán, hàng có tem, hộp đàng hoàng à nha, bảo đảm lắm mà...”. Vừa nói, anh ta vừa cầm máy hướng dẫn cách sử dụng; xác định máy giả, máy “xịn” qua con tem... Chưa giải thích tường tận, anh ta bỗng dúi ngay tờ giấy giới thiệu về mặt hàng này vào tay chúng tôi và quay bắt chuyện với một phụ nữ, có lẽ là bạn hàng thân quen từ miền xuôi lên để “ăn” hàng. Chỉ qua vài câu trao đổi, 40 máy với đầy đủ vỏ hộp, tờ rơi giới thiệu được lôi từ một góc quầy hàng đã xếp gọn trong một túi ni lông đen và giao ngay cho khách. Lúc này, hàng chục người khách có mặt tại quầy hàng đều mua. Chỉ trong chớp mắt cửa hàng đã bán trên 100 máy. Thấy chúng tôi còn chần chừ, chủ cửa hàng quay lại tư vấn tiếp. Anh bạn đứng cạnh tôi hỏi: “Muốn mua máy dùng cho điện ba pha, thiết bị sử dụng điện công suất lớn có không?”. Chủ cửa hàng nói nhanh: "Phải đặt cọc trước à, vài ngày sau quay lại đây loại nào cũng có...”. Rời khỏi quầy hàng này, chúng tôi đi dạo quanh chợ, thì thấy hầu hết các quầy hàng điện tử đều có bày bán loại hàng này một cách công khai.
Công dụng có... trời mới biết
Ghé vào quán nước trước cổng chợ, cả đoàn người vừa vào mua hàng đang ngồi nghỉ, uống nước nhưng ai cũng săm soi thiết bị vừa mua và bàn tán xôn xao. Một thanh niên giọng Nghệ An bán tín bán nghi, nói: “Chắc mình bị tụi nó lừa rồi, chứ máy rẻ tiền, nhẹ tênh như thế này làm gì hiệu quả cao vậy?”. Như đồng tình, một phụ nữ dáng dấp người Hà Nội, quay sang bên cạnh hỏi ông chồng: “Liệu máy có hiệu quả không anh?”. Anh chồng cười: “Thấy lạ, mua về xem thử... khắc biết”. Xem một thiết bị anh bạn mua, chúng tôi thấy nó được đóng trong hộp các-tông khá nghiêm chỉnh, với nhãn hiệu hầu hết viết bằng tiếng Trung Quốc, chỉ duy nhất có 3 dòng tiếng Anh là: J.S.D; China Shenzehen; Shenzhen Jiayilai Industry Co. LTD...; tờ hướng dẫn cách sử dụng thì hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc. Chúng tôi chỉ có thể hiểu lớt phớt qua tờ rơi quảng cáo giới thiệu đính kèm theo máy bằng tiếng Việt, nhưng sai rất nhiều lỗi chính tả. Theo đó, đây là thiết bị nhằm giúp ổn định điện áp và tiết kiệm điện (!?).
Các cửa hàng bán đồ điện cho biết, thiết bị ổn định điện áp đúng nghĩa không có khả năng tiết kiệm điện mà chỉ có mục đích duy nhất là ổn định nguồn điện. Trên thị trường khoảng hai năm nay có thêm một số loại thiết bị tiết kiệm điện có chức năng bù công suất, và giảm các công suất vô ích từ các thiết bị điện đang sử dụng, có thể tiết kiệm điện từ 10% cho đến trên 20%. Giá bán từ 300.000 đồng - 900.000 đồng/bộ (loại 8 Am-pe). Đối với thiết bị “ăn cắp” điện nhỏ gọn bày bán ở các chợ biên giới chưa thấy xuất hiện trên thị trường TPHCM.L.Giang
Thiết bị chưa có ở TPHCM
Rời chợ Tân Thanh, chúng tôi về chợ Đông Kinh giữa trung tâm thị xã Lạng Sơn, tại đây gian hàng điện tử nào cũng bán loại thiết bị này nhưng đều không có vỏ hộp và được gọi với tên là máy “ổn định điện áp”. Một chị bán hàng ở đây cho biết mỗi ngày chị ta bán hàng chục cái, với giá cho loại trung bình là 130.000 đồng/máy. Mọi người dù chưa tin tưởng thật sự vào công dụng của nó, nhưng chúng tôi nhận thấy hầu hết mỗi chuyến xe rời chợ Tân Thanh hay Đông Kinh, không dưới 5 – 10 thiết bị như vậy được đem về để sử dụng hoặc làm quà biếu... Tại hai chợ trên có thể hàng ngàn thiết bị như vậy được tiêu thụ mỗi ngày và như vậy có hàng trăm triệu đồng được người tiêu dùng bỏ ra chỉ để nhằm một mục đích “ăn cắp” điện của Nhà nước.
Ngành điện vẫn chưa có kết luận về thiết bị này
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng ban Ban Kinh doanh và Điện nông thôn (Tổng Công ty Điện lực Việt Nam), cho biết: “Do đây là một loại thiết bị hơi đặc biệt, về nguyên lý hoạt động, công dụng chúng tôi chưa nắm rõ nên hiện không thể đưa ra kết luận chính thức”. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ gửi thiết bị mà Báo Người Lao Động chuyển cho trung tâm nghiên cứu thiết bị ngành điện để tiến hành kiểm tra và sẽ sớm đưa ra kết luận. Nếu tác dụng của thiết bị thật sự đúng như quảng cáo, ngành điện sẽ kiến nghị các ngành có liên quan ngăn chặn ngay việc nhập mặt hàng này. Trường hợp thiết bị không có công dụng sẽ cảnh báo cho người dân. Đây cũng là lần thứ hai loại hàng Trung Quốc này được đưa vào Việt Nam, tuy nhiên thiết bị trước đây không thật sự có tác dụng nên bị thị trường loại bỏ.
Bình luận (0)