Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang thiếu hụt một số vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc-xin 5 trong 1 khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải trì hoãn tiêm hoặc chuyển sang tiêm dịch vụ.
Thường xuyên thiếu, phân bổ nhỏ giọt
Thời điểm này, nhiều địa phương tiếp tục phản ánh đã hết vắc-xin 5 trong 1 (ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib) để tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em, một số vắc-xin khác cũng dần cạn kiệt khiến tỉ lệ tiêm chủng không đạt theo kế hoạch. Ngoài ra, nhiều loại vắc-xin sản xuất trong nước cũng bị thiếu.
TP HCM là một trong nhiều địa phương trên cả nước thiếu nhiều vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sở Y tế TP HCM cho biết hiện nguồn vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tại thành phố chỉ còn đủ tiêm trong 2 tuần.
Đại diện Trạm Y tế phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, cho biết hiện trạm vẫn còn vắc-xin 5 trong 1 để tiêm cho trẻ nhưng nếu không được cung ứng sớm thì sang tháng 11-2023 sẽ không còn để tiêm.
Nhân viên Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp (TP HCM) khám cho trẻ trước khi tiêm chủng. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Trương Thị Ánh Mai - Trưởng Trạm Y tế thị trấn Hóc Môn, TP HCM - cho biết tại trạm, vắc-xin 5 trong 1 vẫn còn đủ tiêm cho trẻ nhưng vắc-xin sởi đã hết.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vắc-xin còn lại giữa các địa phương trên địa bàn.
Tại TP Đà Nẵng, bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho hay địa phương đang thiếu vắc-xin 5 trong 1 và một số loại vắc-xin khác. Đà Nẵng đã gửi kiến nghị lên Bộ Y tế nhưng vẫn chưa được phân bổ đầy đủ.
Bà Võ Thị Nga - Trưởng Trạm Y tế phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - cho biết việc thiếu các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã kéo dài từ tháng 3-2023 đến nay.
"Mỗi đợt được phân bổ về với số lượng ít. Điển hình tháng 9, 10, Trạm Y tế Hòa Minh được phân bổ vài chục lọ vắc-xin 5 trong 1, chỉ đủ tiêm trong 1 tháng" - bà Nga nói.
Theo bà Nga, người dân thường xuyên phàn nàn về việc thiếu vắc-xin. Nhân viên của trạm tư vấn nếu có điều kiện, gia đình đưa trẻ đi tiêm dịch vụ hoặc tiếp tục chờ.
Tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin cơ bản chỉ đạt trên 40%
Ước tính mỗi năm, Việt Nam có 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Số mũi tiêm thực hiện hằng năm khoảng 40 triệu các loại.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhiều địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Giang, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang... đã phản ánh tình trạng cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn gây thiếu vắc-xin cục bộ.
Một số địa phương cho biết từ nhiều tháng nay, các vắc-xin như 5 trong 1, DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) chưa được cấp đủ theo nhu cầu. Ngoài ra, các loại vắc-xin khác số lượng cũng còn rất ít, dự kiến trong 1-2 tháng tới sẽ hết nếu không được cung cấp thêm.
Tháng 8-2023, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phân bổ hơn 257.300 liều vắc-xin 5 trong 1 cho các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm chủng thường xuyên tháng 8 và tháng 9-2023. Số vắc-xin này do Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc viện trợ. Tuy nhiên, theo các địa phương, đến thời điểm này, nguồn vắc-xin trên cũng đã được sử dụng hết cho nhóm trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng hoặc đã bỏ lỡ mũi tiêm.
Do thiếu vắc-xin nên một số tỉnh như Sơn La, Tuyên Quang cho biết tỉ lệ trẻ được tiêm các mũi vắc-xin cơ bản của Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ đạt trên 40%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Vì sao thiếu vắc-xin miễn phí?
Lý giải về việc thiếu vắc-xin, đại diện một số địa phương cho biết những năm qua, từ ngân sách trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế mua sắm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau đó, vắc-xin được cấp phát đến các địa phương để tổ chức tiêm miễn phí cho trẻ.
Tuy nhiên, việc gián đoạn cung ứng vắc-xin xảy ra từ mùa hè năm 2022. Nguyên nhân do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá. Sau một thời gian các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc mua vắc-xin, việc triển khai tiêm chủng mở rộng ở các tỉnh bị trì trệ.
Ngày 10-7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, đã 3 tháng kể từ khi có nghị quyết trên, việc mua vắc-xin vẫn đang được thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết hầu hết các vắc-xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước, có 2 loại nhập khẩu là vắc-xin phối hợp 5 trong 1 và vắc-xin phòng bệnh bại liệt (IPV).
Đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng thừa nhận có tình trạng thiếu cục bộ vắc-xin rải rác tại một số địa phương. Việc cung ứng vắc-xin trong năm 2023 đang được Bộ Y tế chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan và thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.
Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để có thể tiếp nhận được vắc-xin sớm nhất từ nhà sản xuất. Dự kiến trong quý IV/2023, các vắc-xin sản xuất trong nước sẽ tiếp tục được cung ứng cho tiêm chủng mở rộng.
Đối với vắc-xin 5 trong 1, đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết do vắc-xin nhập khẩu nên phải thực hiện các thủ tục theo quy định, trong đó có đàm phán giá. Bên cạnh đó, thời gian cung ứng của vắc-xin 5 trong 1 cũng phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài và đơn vị trúng thầu. Các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đang nỗ lực tối đa để sớm có vắc-xin sử dụng trong tiêm chủng miễn phí cho trẻ em.
Theo đại diện Bộ Y tế, với các vắc-xin miễn phí được sản xuất trong nước, cơ quan chức năng đều đã có phương án đặt hàng căn cứ vào đề xuất nhu cầu số lượng của các địa phương năm 2023 và gối đầu đến tháng 6-2024. Để giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin, trước đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã yêu cầu các địa phương tổng hợp nhu cầu về vắc-xin, báo cáo Bộ Y tế.
Lo ngại sự trở lại của nhiều bệnh nguy hiểm
Tiêm chủng mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn phí, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Khi không có vắc-xin tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ gây tốn kém. Một số khác phải chờ đợi, nguy cơ mắc bệnh do không được tiêm đúng lịch.
Các chuyên gia cảnh báo tỉ lệ tiêm chủng thấp do thiếu vắc-xin đã khiến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.
Thực tế, thiếu vắc-xin đã khiến việc tiêm chủng cho trẻ bị gián đoạn, dịch bệnh đã xảy ra ở một số nơi, trong đó có dịch bạch hầu xuất hiện tại Hà Giang và Điện Biên.
D.Thu
Không để trẻ em nghèo thiệt thòi
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, thành viên Hội đồng Đánh giá tiêm chủng quốc gia - cho rằng việc thiếu một số loại vắc-xin nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do vướng thủ tục cần sớm được giải quyết để mọi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.
"Nếu thiếu vắc-xin miễn phí thì trẻ em nghèo sẽ không được hưởng lợi ích của tiêm chủng mở rộng. Điều này cũng mất ý nghĩa của chương trình. Đặc biệt, người dân ở nông thôn ít có khả năng phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên việc bỏ sót trẻ ở nông thôn là không nên" - bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
L.Anh
Bình luận (0)