Đoàn kiểm tra, giám sát của Sở Y tế TPHCM xem xét tình hình vệ sinh phòng dịch tại các khu dân cư ở quận 7. Ảnh: Anh Thư
- TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Năm nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TPHCM cao nhất là vào tháng 3, có tuần lên tới 232 ca. Nhưng từ đó đến nay, tình hình tương đối ổn định, số ca mới mắc bệnh dao động với biên độ không cao. Riêng đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc đã giảm, còn dưới 200 ca/tuần. Đây là dấu hiệu đáng mừng bởi thời điểm này năm 2011, dịch tay chân miệng tại TPHCM bùng phát lên tới đỉnh điểm, có những tuần ghi nhận trên 500 ca. Với diễn biến hiện nay, khả năng dịch bệnh tay chân miệng sẽ ổn định cho đến hết quãng thời gian học sinh nghỉ hè. Đầu năm học, số ca mắc có thể tăng nhẹ giống các năm trước nhưng nhìn chung không đáng lo ngại vì công tác phòng dịch tại các trường học đã tốt hơn. Bệnh tay chân miệng thường “hạ nhiệt” vào các tháng cuối năm.
* Đâu là lý do khiến dịch tay chân miệng tại TPHCM giảm trong khi tăng mạnh ở một số địa phương khác?
- TPHCM đã có đợt dịch lớn từ năm 2011. UBND TP và Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng và các ban, ngành đoàn thể phối hợp chống dịch từ những tháng giữa năm 2011 và hiện vẫn duy trì nên có thể nói năm nay, TP đã chủ động kiểm soát được dịch.
Mặt khác, đỉnh dịch năm 2011 rơi vào thời điểm học sinh vừa nghỉ hè và về với cộng đồng, mầm bệnh có cơ hội lây lan mạnh. Lúc đó, TP chưa có các đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên, chuyên trách như bây giờ; lực lượng thực hiện công tác này ở địa phương còn thiếu, chưa có kinh nghiệm tuyên truyền, xử lý ổ dịch... Từ đầu năm nay, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng đã chủ động phối hợp cùng nhiều ban, ngành để lên kế hoạch ngăn ngừa dịch với chỉ tiêu giữ số ca mới mắc dưới 250 ca/tuần. Trước khi học sinh nghỉ hè, chúng tôi đã thông qua nhà trường tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh về công tác phòng ngừa bệnh tay chân miệng và các bệnh dịch khác thường gặp trong mùa hè. Thời điểm này, dù học sinh nghỉ học ở nhà nhưng vẫn tập trung nhiều ở các nhóm trẻ gia đình nên chúng tôi đang tập trung xoáy vào đối tượng này nhiều hơn. Qua các đợt kiểm tra, cho thấy ý thức phòng dịch, khử khuẩn, phối hợp với y tế dự phòng địa phương khi có trẻ mắc bệnh… đã được nâng cao tại các nhóm trẻ.
* Trong những tháng 7, 8, 9, TPHCM thường gặp phải những dịch bệnh nào khác?
- Ngoài tay chân miệng, các bệnh thường gặp theo mùa, gồm: sốt xuất huyết, thương hàn, tả, viêm não virus… Đa phần các bệnh này đều đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011, có loại bệnh không có ca mới nào như cúm A/H1N1, tả; tổng số ca mắc của cả hai loại bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đều giảm.
* Như vậy, còn những mối lo ngại nào nữa?
- Thông thường vào mùa mưa, đáng lo ngại nhất là bệnh tả vì bệnh này rất dễ lây lan trong cộng đồng nhưng năm nay thì chưa ghi nhận ca nào. Nóng nhất vẫn là tay chân miệng và sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết thường tăng nhiều ở các tháng 8, 9 nên chúng tôi đang tập trung lực lượng để kiểm soát.
Sốt xuất huyết hiện tập trung ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và các khu vực đông dân nhập cư mà vệ sinh môi trường, ý thức phòng bệnh không được bảo đảm. Nhiều nơi, công tác phòng dịch gặp phải khó khăn khách quan, như quận Bình Tân có nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tại nghĩa trang này, sau các cơn mưa, nước thường đọng trên các bát nhang gắn chặt vào mộ nên địa phương rất lúng túng. Việc xịt thuốc diệt muỗi thì chỉ có thể làm mỗi tuần một lần, vì làm nhiều hơn sẽ có hại cho sức khỏe người dân. Hiện giờ, các ban, ngành vẫn tập trung vào việc tuyên truyền, giúp người dân có ý thức hơn trong việc diệt lăng quăng, giải quyết các nơi có nước tù đọng quanh nhà.
Ngành y tế không còn đơn độc Năm 2011, ngành y tế nói rất nhiều về các khó khăn trong công tác phòng dịch như thiếu nhân lực, ý thức người dân chưa cao… Năm nay, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Thuận lợi lớn nhất là các nơi đã chủ động được về phương tiện, hóa chất, ý thức người dân cũng đã cao hơn. Đặc biệt, tại các trường học, công tác phòng bệnh được thực hiện rất tốt. Đối với bệnh tay chân miệng, năm nay số ca mắc mới luôn được khống chế ở mức dưới 250 nên các địa phương có thể chủ động giám sát, quản lý. Ngành giáo dục, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội hưu trí… ở các địa phương cũng được huy động để giám sát, phòng dịch nên ngành y tế không còn đơn độc. |
Bình luận (0)