Sau khi làm nhiệm vụ cung cấp nguồn sống cho em bé trong bụng mẹ, nhau thai thường bị bỏ đi khi đứa bé chào đời. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (New York – Mỹ) đã nhặt lại phần tưởng chừng bỏ đi này, trích xuất các tế bào gốc Cdx2, tiêm chúng cho các con chuột thí nghiệm đã trải qua cơn nhồi máu cơ tim và chứng kiến sự hồi phục ngoạn mục.
Một mũi tiêm chứa tế bào gốc từ nhau thai có thể cứu nhiều người nhồi máu cơ tim và suy tim - ảnh minh họa từ internet
Khi đi vào cơ thể, các tế bào nhau thai này đã thực hiện một cuộc "đại tu" khó tin lên trái tim đã bị tổn thương nặng nề do cơn nhồi máu cơ tim. Chúng sửa chữa những vùng thương tổn, đưa trái tim quay ngược thời gian về lúc cơn tai biến chưa xảy ra.
Với khả năng đó, các tế bào gốc này còn có tiềm năng chữa cho bệnh nhân suy tim nặng, nhất là những người chỉ còn cách ghép tim để duy trì sự sống. Đó sẽ là tin vui lớn bởi nguồn tạng hiến tặng luôn thiếu thốn, trong khi toàn thế giới ước tính có hơn 23 triệu bệnh nhân suy tim. Còn nhồi máu cơ tim luôn được xem là một trong các tai biến tim mạch gây chết người và di chứng nặng nề hàng đầu.
Các tế bào cơ tim lại là dạng tế bào có tốc độ sao chép chỉ 0,5% mỗi năm – quá chậm để tự sửa chữa bất kỳ thiệt hại đáng kể nào do nhồi máu cơ tim hay suy tim. Thay vào đó, các tế bào chết được thay thế bằng các lớp sẹo dày, cứng, khiến các phần của tim dần ngừng hoạt động. Trong khi đó, tế bào gốc nhau thai đi vào cơ thể sẽ tạo ra các tế bào tim đúng nghĩa, dồi dào sức sống, thế chỗ cho những tế bào bị thiệt hại.
Bác sĩ Hina Chaudhry, giám đốc y khoa về tái tạo tim mạch tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai cho biết họ đã phân lập được các tế bào Cdx2 tương tự từ nhau thai người và sắp tới sẽ tiến đến thử nghiệm trên người.
Trước đây, từng có các nghiên cứu dựa trên tế bào gốc lấy từ phôi thai và chúng từng được chứng minh là có thể hình thành tế bào tim, phục vụ mục đích tương tự. Tuy nhiên, việc dùng phôi vấp phải nhiều vấn đề đạo đức và tính khả thi.
"Trong khi đó, nhau thai thường xuyên bị bỏ đi trên khắp thế giới và do đó, nó gần như là nguồn vô hạn" – bác sĩ Chaudhry nói.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.
Bình luận (0)