Thoát hiểm sau ca mổ khá hi hữu, chị T cho hay: Nghe bác sĩ ở Đà Nẵng và một số bệnh viện có uy tín ở TP HCM từ chối, không dám mổ sinh lần thứ bốn vì không đảm bảo tính mạng cho mẹ, tôi sợ lắm. Đã có lúc tôi nghĩ, hy sinh bản thân mình để cứu con nhưng may mắn là Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận. Với đội ngũ có chuyên môn, các bác sĩ ở đây đã cứu tính mạng cho mẹ con tôi.
Nhận ca mổ, Ban chủ nhiệm Khoa Sản đã chọn người có chuyên môn giỏi để phẫu thuật. Ths-BS chuyên khoa II Lê Sĩ Phương, Phó Khoa Sản Bệnh viện Trung ương Huế, thực hiện ca mổ. Ông cho biết: Đây là ca mổ khá phức tạp, phải xử lý nhiều tình huống. Vì ba lần mổ trước, tử cung và ruột dính chặt vào thành bụng, vết mổ sẹo xơ và rất mỏng, may mà chưa nứt vỡ, thêm vào đó, bàng quang của bệnh nhân bị dính chặt và treo lên cao do mổ nhiều lần, bóc gỡ khá khó khăn. Phải có kinh nghiệm, phẫu thuật viên mới bóc tách gỡ dính, tránh tổn thương các bộ phận xung quanh, nhất là dễ làm tổn thương bàng quang và ruột, đặc biệt khi lấy thai ra không khéo cũng dễ làm rách bàng quang, tử cung và các mạch máu tử cung, làm cho cuộc phẫu thuật phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
Trường hợp nguy hiểm nữa là khi mổ lấy thai nhiều lần, sẽ làm vết mổ bị xơ hóa và kém liền sẹo, gây nứt, vỡ tử cung ngay cả khi chưa chuyển dạ. Trường hợp mổ lấy thai lần thứ bốn như bệnh nhân T.M, không bị biến chứng là điều may mắn và khá hiếm. Nếu bệnh nhân bị vỡ tử cung đột ngột (thường gặp ở tình trạng mổ lấy thai lần thứ bốn) thì bác sĩ giỏi, hoặc phương tiện hiện đại cũng không thể cứu sống bệnh nhân.
Bình luận (0)