Bạn đọc HUỲNH THANH PHƯƠNG (TP HCM) hỏi: "Con tôi đã được 4 tháng tuổi. Tôi nghe các bà mẹ khác nói nên cho ăn dặm sớm để con được bổ sung các chất tinh bột thì sẽ mau lớn, dễ lên cân. Nhưng cũng có ý kiến nói không được cho ăn sớm vì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Vậy thời điểm nào tốt để trẻ ăn dặm và chế độ ăn ra sao?".
Bác sĩ HÀ THỊ MỸ HẠNH trả lời: Trong 6 tháng đầu, sữa mẹ hoặc sữa công thức có thể cung cấp trọn vẹn dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng sau đó, với nhu cầu vận động tăng lên khi lẫy, lật, trườn, bò, trẻ cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm đa dạng. Đây là lúc trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm - bước đệm quan trọng để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ cũng như hoàn thiện kỹ năng ăn uống.
Để trẻ làm quen và bắt nhịp với chế độ ăn dặm, cha mẹ nên xây dựng thực đơn theo lứa tuổi và khả năng của con, tránh máy móc tuân theo sách vở hay người khác. Khi trẻ được 6 - 8 tháng, sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính của bé. Tuy nhiên, cha mẹ nên bắt đầu cho bé tập ăn dặm, có thể là 2 - 3 bữa chính mỗi ngày. Trong giai đoạn này, thức ăn nên được chế biến lỏng và rây nhuyễn. Với trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi, số bữa chính tăng lên 3 - 4 lần/ngày và thức ăn cũng đặc, thô, lợn cợn hơn. Nếu sau bữa ăn trẻ vẫn đói, cha mẹ có thể cho bé bú thêm sữa. Sau 1 tuổi, trẻ có thể làm quen với cơm nhão.
Mỗi bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài 15 - 20 phút. Khi ăn quá lâu hoặc bị bắt ăn quá nhiều, bé dễ bị đầy bụng. Hậu quả là bé không còn thấy ngon miệng và ăn được ít hơn trong các bữa sau. Ngoài ra, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý không nên cho con uống sữa ngay sau khi ăn. Canxi trong sữa có thể ức chế cơ thể hấp thụ sắt từ thức ăn, dẫn đến gia tăng nguy cơ trẻ mắc thiếu máu sinh lý. Trẻ nên được uống sữa trước hoặc sau bữa ăn ít nhất 30 phút.
Cho con ăn dặm không khó, khi cha mẹ có sự chuẩn bị và thấu hiểu cơ thể con: nhu cầu dinh dưỡng, khả năng hấp thụ các chất và sự nhạy cảm của con về vị.
Nguyễn Thuận ghi
Bình luận (0)