Thử nghiệm của các nhà khoa học căn cứ trên phân tử được gọi là MUC1, có nhiều trên bề mặt của tế bào ung thư. Phân tử này cũng được phát hiện ở 90% các loại ung thư. Vì thế, họ hy vọng rằng vắc-xin được bào chế từ phân tử này có thể giúp hệ miễn dịch ngăn nhiều loại ung thư phát triển trong cơ thể bệnh nhân.
Trên thực tế, người khỏe mạnh cũng có một lượng nhỏ phân tử MUC1.
Vắc-xin chung cho nhiều loại ung thư đã được thử nghiệm lâm sàng bước đầu tại Israel.
Ảnh: The Telegraph
Không giống như các loại vắc-xin phòng bệnh khác, vắc-xin chứa MUC1 được bào chế nhằm tăng cường khả năng hệ miễn dịch của những người đã bị ung thư chống lại các căn bệnh này hơn là phòng bệnh.
Vắc-xin chứa MUC1 được gọi là ImMucin, đã được thử nghiệm trên 10 bệnh nhân bị ung thư máu tại Trung tâm Y tế Hadassah ở Jerusalem. Kết thúc đợt tiêm thuốc đầu tiên, 7 bệnh nhân đã cho thấy khả năng miễn nhiễm chống tế bào ung thư tăng lên so với trước khi tiêm chủng.
Trước đó, những thử nghiệm trên chuột cho thấy vắc-xin này tăng cường khả năng ngăn ung thư ở chuột và kéo dài sự sống ở chuột đã bị ung thư.
Thông báo của Vaxil Biotheraputics ghi nhận: “ImMucin đã sản sinh ra những phản ứng mạnh mẽ và đặc biệt của hệ miễn dịch ở tất cả các bệnh nhân đã được ghi nhận sau khi chỉ dùng từ 2-4 liều trong tổng số liều dùng tối đa là 12”. Tuy nhiên, kết quả chính thức phải được khẳng định bằng những thử nghiệm thành công tiếp theo trong 6 năm với quy mô rộng lớn hơn.
Giám đốc phụ trách thông tin khoa học của tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh là Kat Arney bình luận: “Đã có nhiều nhóm trên thế giới khảo sát việc trị liệu nhiều loại ung thư căn cứ nhắm vào MUC1. Đây chỉ là kết quả mới khởi đầu và cần có nhiều công trình để chứng minh sự an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân ung thư”.
Bình luận (0)