Sáng 20-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu TP HCM có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM.
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước - Ảnh: VGP
Phát biểu tại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tỉ lệ bao phủ vắc-xin lớn là yếu tố quan trọng giúp TP HCM tự tin mở cửa. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành khác đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng.
Theo Thủ tướng, TP HCM là tâm dịch lớn nhất cả nước năm 2021, công tác phòng chống dịch gặp khó khăn lớn bởi đây là thành phố đông dân nhất của đất nước. Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên cho TP HCM tất cả những gì có được, đặc biệt là vắc xin Covid-19 , trang thiết bị để TP chống dịch. Bởi vậy, nhân dân cả nước phải chia sẻ và TP HCM cũng có "trách nhiệm cao cả" là phải ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Gần 1 tháng nay, TP HCM coi như cơ bản mở cửa, từ chỗ "đỏ quạch" tất cả trên bản đồ đánh giá cấp độ dịch đến xanh toàn bộ. Số ca nhiễm, ca chuyển nặng và ca tử vong ở TP HCM xuống rất thấp.
"Thành quả này là do nước ta đã ưu tiên vắc xin để tiêm sớm cho người dân TP HCM, thậm chí vắc-xin mũi 3 cũng đã được tiêm an toàn, trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi được tiêm với số lượng rất cao. Tỉ lệ bao phủ vắc-xin lớn cùng với những "vũ khí" khác là thuốc và kinh nghiệm phòng chống dịch giúp TP HCM hoàn toàn tự tin để mở cửa"- người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm ở TP HCM, Thủ tướng yêu cầu tất cả địa phương khác thần tốc, thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 để có cơ sở mở cửa an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cho biết khi Việt Nam mở cửa vào ngày 11-10-2021 theo Nghị quyết 128, cả nước mới tiêm được 42 triệu liều vắc-xin Covid-19, chủ yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang... Nhưng đến hết ngày 18-1, cả nước đã tiêm được 172 triệu liều vắc-xin, trở thành một trong những nước có tỉ lệ bao phủ vắc-xin lớn trên thế giới. Tiến độ tiêm chủng cần đẩy nhanh hơn nữa để cả nước an toàn mở cửa.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mùa xuân, từ ngày 1-2 đến 28-2 và phát động phong trào tiêm vắc-xin xuyên Tết nguyên đán. “Chúng ta vừa nghỉ Tết, vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong 9 ngày Tết, tất nhiên vẫn phải khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị nhanh chóng công nhận vắc-xin sản xuất trong nước theo hướng giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân ở TP HCM
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2021, Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai với phương châm làm thế nào để có vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất và an toàn nhất.
Tính đến hết năm 2021, tổng số vắc-xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Hiện tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên của nước ta đã đạt 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) đạt 93,4%, tỉ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Dự kiến, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý 1-2022. Ngành y tế cũng đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn, Cùng đó, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
"Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Với sự xâm nhập của biến thể Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tronh đó thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 xuyên Tết và không có nghỉ tết.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1-2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thực tiễn thế giới và Việt Nam.
Bình luận (0)