Một số bác sĩ (BS) cho biết không ít gia đình đến khám dinh dưỡng cho con phàn nàn rằng gia đình chẳng thiếu gì, liên tục tẩm bổ nhưng ăn mãi mà trẻ vẫn còi cọc.
Gầy vì được… tẩm bổ
Theo các BS, SDD thể phù khiến cha mẹ lầm tưởng là con mập mạp nên càng tin tưởng vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Chính vì thế, có những trẻ khi tới khám đã có những diễn tiến nặng như phù ở mí mắt, mặt và 2 chân, thậm chí phù toàn thân.
Thiếu kiến thức nuôi con
TS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết hiện cả nước có khoảng 1,54 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD nhẹ cân và khoảng 2,59 triệu cháu bị SDD thấp còi. Trẻ bị SDD ở những gia đình giàu, thậm chí rất giàu, cũng chiếm tỉ lệ khá cao với 13,8% và 6,3%.
Chia sẻ thông tin tại hội thảo xây dựng lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết có khoảng 8% trẻ dưới 5 tuổi tại TP bị nhẹ cân hoặc thấp còi. Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM mỗi ngày khám 500 cháu có vấn đề về dinh dưỡng, phần lớn bị SDD và rất nhiều trẻ là con cái trong các gia đình có kinh tế khá giả. “Đơn giản nhất là việc nuôi con bằng sữa mẹ, giúp phòng chống SDD và nhiều bệnh tật hiệu quả. Tuy nhiên, có tới gần 20% trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ mà lại uống sữa ngoài ngay sau sinh” - bà Diệp nói.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết nếu người nghèo thường SDD do “thiếu ăn” thì đa số người giàu bị SDD do có quá nhiều đồ ăn nhưng không biết dùng thế nào. Do đó, một số lượng lớn trẻ em thuộc gia đình khá giả bị SDD, thấp còi là do cha mẹ chưa có kiến thức về chăm sóc trẻ.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, băn khoăn: “Một số gia đình khá giả thường tẩm bổ cho con bằng các món thịt, trứng, tủy, bơ, sữa tươi, phô mai… khiến nhiều bé đến giờ ăn là phản ứng kịch liệt. Nhiều bậc cha mẹ lại chỉ tập trung những thức ăn chứa đạm (thịt, cá, tôm...), đường mà quên đi các chất béo (dầu ăn, mỡ) và chất xơ, vitamin (rau, trái cây) cũng khiến trẻ bị SDD”.
Xây dựng thực đơn chuẩn TS Lê Danh Tuyên cho biết Viện Dinh dưỡng quốc gia đang chủ trì xây dựng “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý” cho giai đoạn 2011-2020. Đây sẽ là những hướng dẫn cơ bản về ăn uống, giúp người dân nâng cao sức khỏe, chống mắc bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp... Theo thống kê mới nhất, tỉ lệ tiêu thụ thịt, trứng, sữa của người dân Việt Nam ngày càng tăng, trong khi trước đây, bữa ăn truyền thống vốn chỉ gạo, rau là chính. Thói quen sử dụng thịt nhiều hơn cá cũng là một nguy cơ bị bệnh tim mạch. Tỉ lệ này đặc biệt tăng cao ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM. Nhiều người dân, nhất là trẻ nhỏ tại các TP lớn, rất thích sử dụng thức ăn nhanh, trong đó chứa transfat là một loại chất béo không tốt cho cơ thể. |
Bình luận (0)