Ngày 8-11, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow "Thúc đẩy cấp cứu ngoại viện phát triển". Các bác sĩ đã chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, giải pháp thúc đẩy mô hình cấp cứu ngoại viện phát triển. Đây cũng là một trong số nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế TP HCM tiến tới trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam và của cả khu vực ASEAN.
Giảm 45% tỉ lệ tử vong
Thông tin về tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết bản thân 4 từ "cấp cứu ngoại viện" thể hiện mức độ cần thiết và tầm quan trọng. Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện. Bởi cấp cứu ngoại viện là trụ cột không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống y tế nào.
Các bác sĩ tham gia talkshow “Thúc đẩy cấp cứu ngoại viện phát triển” do Báo Người Lao Động tổ chức .Ảnh: TẤN THẠNH
Năm 2018, một nghiên cứu cho thấy đối với các nước có mức thu nhập từ trung bình đến thấp, nếu đẩy mạnh phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện (BV) đúng nghĩa thì có thể giúp tăng 45% bệnh nhân được cứu sống. Cấp cứu ngoài BV với thời gian nhanh nhất, sớm nhất chắc chắn sẽ góp phần giảm tỉ lệ bệnh tật, biến chứng, di chứng có thể để lại do sơ cứu cấp cứu ban đầu chưa phù hợp. Ngoài ra, cấp cứu ngoài BV còn góp phần lớn trong các tình huống thảm họa xảy ra nơi đông người.
Đến nay, để nói về cấp cứu ngoại viện thì Trung tâm Cấp cứu 115 là điển hình. Trung tâm này được thành lập và hoạt động hiệu quả từ năm 2014. "Để người dân có nhận thức đúng đắn về cấp cứu ngoại viện thì cần tăng cường thêm công tác truyền thông. Ví dụ, người dân cần nhường đường khi có xe cấp cứu lưu thông. Bên cạnh đó, người dân cần nắm rõ hơn vai trò nhiệm vụ cũng như hiệu quả của cấp cứu ngoài BV. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa khi có xảy ra tai nạn mà còn trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào khác" - bác sĩ Dũng nói.
BSCKII Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết hiện nay ở TP HCM, các trạm cấp cứu 115 đã bao phủ hết quận, huyện và TP Thủ Đức. Các xe cấp cứu của trung tâm sẽ đưa bệnh nhân đến đúng BV chuyên khoa. Lực lượng cấp cứu ngoại viện kết nối với BV và cung cấp thông tin sơ cứu trước đó cho BV. Ngoài ra, nhờ quy trình báo động đỏ, liên viện, công tác cấp cứu được thông suốt, bảo đảm quy trình trong suốt thời gian vừa qua.
Đa dạng loại hình, nâng thành chuyên nghiệp
Bác sĩ Nguyễn Duy Long cho biết sau 10 năm thành lập, đến nay trung tâm đã hoạt động rất tốt, giúp ích cho nhiều người dân. Hiện trên thế giới có 2 mô hình cấp cứu: Mô hình 1, nhân sự là bác sĩ chuyên khoa đi trên xe cấp cứu được trang bị chuyên sâu. Mô hình này là "đưa BV đến người bệnh", xử trí chuyên sâu rồi mới đưa bệnh nhân vào các khoa tương ứng của BV, chứ không đưa qua khoa cấp cứu. Mô hình này đòi hỏi nhân sự tham gia cấp cứu có kiến thức chuyên sâu, phương tiện hiện đại.
Mô hình 2 là lực lượng tham gia cấp cứu được đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, phát hiện xử trí đúng tình huống và đưa bệnh nhân vào khoa cấp cứu của BV sao cho nhanh nhất, an toàn; sau đó chuyển đến các khoa chuyên sâu.
Một trường hợp tai nạn giao thông ngoài đường được lực lượng cấp cứu ngoại viện cấp cứu .Ảnh: NGHĨA PHẠM
Hiện TP HCM có 39 trạm cấp cứu vệ tinh, giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận người bệnh. Năm 2014, số cuộc gọi cấp cứu là 8.500 cuộc nhưng nay số cuộc gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 đã là 300.000 cuộc/năm. Thời gian tới, Trung tâm Cấp cứu 115 định hướng tổ chức chuyên nghiệp hơn, hoàn thiện cấp cứu ngoại viện, bổ sung trạm cấp cứu; nâng cao năng lực, phương tiện, trang thiết bị, bổ sung chứng chỉ quốc tế về hồi sức tim phổi, hồi sinh tim cho nhân viên y tế để đáp ứng nhu cầu cấp cứu.
Theo các chuyên gia, đa dạng hóa loại hình cấp cứu từ đường bộ, đường thủy, đường không sẽ là giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và độ bao phủ cấp cứu ngoài BV.
Là một trong những đơn vị đầu tiên tại phía Nam thực hiện cấp cứu đường không với sân đỗ ngay nóc của BV, thượng tá, TS-BS Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc BV Quân y 175 (TP HCM), cho biết BV chính thức vận chuyển cấp cứu từ 20 năm nay. Tuy nhiên, giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, một năm chỉ 1-2 trường hợp được vận chuyển. Đến nay, việc vận chuyển, cấp cứu người bệnh đã nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Theo bác sĩ Thành, cấp cứu đường không bảo đảm được hiệu quả, thời gian vàng trong điều trị. Để thực hiện được loại hình cấp cứu đường không đòi hỏi phải bảo đảm quy trình chuẩn, chặt chẽ; có sự phối hợp của nhiều cơ quan từ trung tâm điều phối, trung tâm điều hành bay. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế để thực hiện cấp cứu vận chuyển đường không phải có chứng chỉ theo quy định.
Hiện tại, tổ cấp cứu đường không BV Quân y 175 có 12 cán bộ nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng và tất cả đều được đào tạo cấp chứng chỉ do các chuyên gia tại Úc huấn luyện. Hằng năm, BV cũng được sự hỗ trợ của Binh đoàn 18 trong việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho nhân viên y tế. Hiện BV đang triển khai xây dựng mô hình, đề án trung tâm cấp cứu đa năng gồm đường không, đường bộ, đường thủy.
"TP HCM muốn triển khai rộng rãi hệ thống cấp cứu đường hàng không đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ ê-kíp y tế đến đội bay và cần có sự điều phối trực tiếp từ một trung tâm để bảo đảm sự thông suốt, nhanh chóng, an toàn. TP HCM nhiều kênh rạch, đường sông, trong khi đó chúng ta có các phương tiện xuồng, ca nô, tàu. Nếu bây giờ chỉ cần hoàn thiện trạm cấp cứu ven sông, khi có tình huống cấp cứu sẽ rất thuận lợi. Như vậy, có thể mở rộng đa dạng các loại hình cấp cứu nhằm ứng cứu kịp thời các tình huống cấp bách" - bác sĩ Thành chia sẻ.
Nghề đặc thù, cần sự đãi ngộ
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho rằng trước hết phải xem cấp cứu ngoài BV là ngành nghề, từ đó sẽ có cơ sở đề xuất cơ chế chính sách đặc thù. "Cần thiết có các chính sách thu hút được người trẻ theo đuổi ngành cấp cứu ngoại viện, từ đó mới tuyển dụng được nhân sự phù hợp. Thứ nhất, cần có mức thu nhập làm sao hỗ trợ, giữ chân đội ngũ cấp cứu ngoại viện. Sau khi tuyển dụng được, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo hoặc bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp. Thứ hai, phải xem đây là nghề đặc thù với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để có chế độ ưu đãi, phụ cấp phù hợp. Thứ ba, phải có bảo hiểm ngành nghề cho lực lượng cấp cứu ngoại viện khác nhân viên y tế công tác tại BV" - bác sĩ Dũng nói.
Theo thượng tá, TS-BS Bùi Đức Thành, không chỉ ở Việt Nam mà tại nước ngoài, những người tham gia cấp cứu ngoại viện có nhiều thiệt thòi, không chỉ vật chất mà còn tinh thần. Ông kể một lần công tác ở một đơn vị cấp cứu ngoại viện tại nước ngoài, ông được biết câu chuyện một người đàn ông đơn thân nuôi con nhưng vì phải tham gia cấp cứu đã không thể dự sinh nhật con. Khi còn nhỏ, người con không hiểu được công việc của bố nên đã rất buồn. Tuy nhiên, khi lớn lên, hiểu được công việc của bố là cứu người nên em đã nhen nhóm tình yêu với nghề và cũng trở thành một cấp cứu viên ngoại viện như bố.
Theo bác sĩ Thành, bên cạnh các chính sách đãi ngộ xứng đáng, cần có sự đóng góp của nhiều tổ chức hỗ trợ cho lực lượng cấp cứu ngoại viện. Bởi công việc của họ là cống hiến cho cộng đồng. Khi có quỹ hỗ trợ, không chỉ chia sẻ cho họ về vật chất mà còn cả tinh thần.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long cho biết trước đây việc tuyển dụng lực lượng cấp cứu theo nhiệm sở. Hai năm nay, Trung tâm Cấp cứu 115 tuyển dụng đại trà. Các sinh viên, bác sĩ trẻ vào làm trung tâm cấp cứu song song với việc học và thực hành 18 tháng tại các BV. Bên cạnh đó, trung tâm có ký hợp đồng phục vụ tại các sự kiện lớn, các phòng khám tư nhân để hỗ trợ chuyên môn cấp cứu... Nhờ vậy, nguồn thu cho cấp cứu ngoại viện vẫn tương đối bảo đảm.
"Sắp tới, trung tâm sẽ xây dựng quy trình tiếp nhận, phân biệt khi nào cần cấp cứu và khi nào là nhu cầu cần vận chuyển. Đây là giải pháp đã và đang làm nhằm duy trì, phát triển hoạt động cấp cứu ngoại viện" - bác sĩ Long cho hay.
Theo bác sĩ Long, công tác cấp cứu rất cần sự tham gia của cộng đồng. Khi đó, cơ hội cấp cứu cho người bệnh nhanh hơn. Giáo viên mầm non biết cách cấp cứu trẻ hóc dị vật. Hướng dẫn viên du lịch biết nhận diện đột quỵ. Tại khu chế xuất đào tạo để người lao động biết xử trí chấn thương, ngộ độc thực phẩm.
Trong đề án nâng cao năng lực cấp cứu của thành phố có nhấn mạnh việc đẩy mạnh cấp cứu theo từng giai đoạn. Lực lượng tình nguyện viên, người dân tham gia sơ cứu ban đầu sẽ là cánh tay nối dài trong khi chờ xe cấp cứu đến hiện trường. Tuy nhiên, người dân còn ngại cấp cứu khi gặp người bị nạn. Đây là rào cản, cần nâng cao ý thức truyền thông để người dân tham gia. Trung tâm Cấp cứu 115 đang phối hợp xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu phổ thông cho người dân. Bên cạnh đó, cần có bộ dụng cụ sơ cấp cứu ban đầu bố trí tại các siêu thị, khu vui chơi mà bất kỳ người dân nào cũng đều sử dụng được. Đây cũng là giải pháp được các nước trên thế giới áp dụng.
Kết nối cấp cứu 3 cụm y tế chuyên sâu
Nằm trong nhóm đề án phát triển y tế TP HCM, ngành y tế xác định một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao năng lực phòng chống dịch; nâng cao y tế cơ sở; phát triển y tế chuyên sâu; phát triển y tế ngoài BV. Đề án phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố theo 3 cụm: Cụm y tế trung tâm, cụm y tế Tân Kiên và cụm y tế Thủ Đức. Khi đó, hệ thống cấp cứu 115 ở 3 cụm y tế chuyên sâu sẽ kết nối, không chỉ đáp ứng tại TP HCM mà cả phía Nam.
Bình luận (0)