Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 05/2016 quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ ngày 1-5 tới. Thông tư này tiếp tục quy định tuyệt đối không kê thực phẩm chức năng (TPCN) trong đơn thuốc. Đây là động thái nhằm chấn chỉnh tình trạng TPCN được kê vào đơn thuốc và bị hiểu nhầm là thuốc như hiện nay.
Vẫn nghĩ TPCN là thuốc
Chị Lê Thu Hằng - ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - cho biết cách đây không lâu, trong một lần đưa con đi khám mắt cận thị; khi mua thuốc, chị hết sức bất ngờ vì 2 trong số 3 loại thuốc được bác sĩ kê trong đơn là TPCN. “Giá của những sản phẩm này khá đắt mà chẳng biết hiệu quả thế nào” - chị băn khoăn.
Trong khi đó, chị Trần Bích Vân - ở khu tập thể Hòa Bình, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - cho biết hầu như lần nào chị đưa con đi khám bệnh thì bác sĩ cũng kê thêm TPCN: khi thì hộp kẽm ZinC-Kid, khi thì các loại vitamin tổng hợp để kích thích ăn uống, tăng sức đề kháng. “Có lần cầm đơn ra hiệu thuốc, đến người bán cũng phải kêu trời sao bác sĩ kê nhiều TPCN đến vậy. Trẻ con ốm đau, uống thuốc còn không xong, lại uống thêm cả đống TPCN nào kẽm, vitamin, men tiêu hóa, xirô tăng đề kháng...” - chị Vân phàn nàn.
Theo chị Trần Hồng, nhân viên một hiệu thuốc ở quận Hai Bà Trưng, TPCN được kê nhiều trong đơn thuốc, nhất là các loại vitamin tổng hợp. Ngoài ra, các loại viên uống bổ não, bổ gan, collagen, sản phẩm hỗ trợ đường tiêu hóa, xương khớp, tim mạch... cũng xuất hiện nhiều trong các đơn thuốc. Nhiều bệnh nhân nghĩ TPCN là thuốc vì họ tin bác sĩ kê đơn. Theo chị Hồng, có bệnh nhân vét sạch từng đồng tiền lẻ để trả cho những đơn thuốc tiền triệu, trong đó có tới 2/3 là TPCN. Thế nhưng, khi nhân viên nhà thuốc khuyên người bệnh có thể không cần mua thì họ không chịu, chỉ vì bác sĩ dặn rằng “các sản phẩm này phải uống đều, kéo dài mới có tác dụng”(!).
Một nhân viên nhà thuốc khá lớn ở quận Hoàn Kiếm cho biết đơn thuốc kê TPCN nhiều vô kể, có ngày tới cả trăm. “Có bệnh nhân chỉ bị đau nhức đầu ngón tay cũng được bác sĩ kê TPCN kèm thuốc kháng sinh. Còn đơn thuốc cho người bị rối loạn tiền đình, bệnh về gan, tiêu hóa... thì hầu như cái nào cũng có TPCN” - nhân viên này khẳng định.
Quảng cáo thổi phồng công dụng
Nội dung không kê TPCN từng được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế nhắc trong một văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành yêu cầu thực hiện đúng quy định về kê đơn thuốc vào cuối năm 2014.
Năm 2008, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, Bộ Y tế quy định rất rõ không được kê TPCN trong đơn thuốc, nếu vi phạm phải bị xử lý theo quy định. Hơn nữa, theo quy chế kê đơn thuốc, TPCN không phải là thuốc nên không thể kê đơn. Thế nhưng, trước sự bùng nổ của thị trường TPCN, với không ít sản phẩm đang bị thổi phồng công dụng, tỉ lệ hoa hồng lại cao nên nhiều bác sĩ phớt lờ quy định, thản nhiên kê TPCN vào đơn thuốc.
Mới đây, tại Thông tư 05/2016, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu không kê TPCN vào đơn thuốc. Theo một chuyên gia y tế, quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay bởi thị trường TPCN tại Việt Nam đang như một “ma trận”. Nhiều sản phẩm bị quảng cáo thổi phồng khiến người mua còn lầm tưởng có tác dụng tốt hơn cả thuốc chữa bệnh. Trong khi thuốc có thành phần và cách sử dụng cụ thể, dùng để bổ sung trực tiếp trong điều trị bệnh thì TPCN chỉ hỗ trợ điều trị - tức là có thể dùng, có thể không.
Không những thế, theo chuyên gia nêu trên, hiện nay, chất lượng các sản phẩm TPCN rất tù mù bởi thiếu công cụ đánh giá. Điều này càng khiến người ta lo ngại khi sản phẩm TPCN được kê “vô tư” trong các đơn thuốc hoặc “kín đáo” kê trong đơn phụ cho người bệnh.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng không thể phủ nhận vai trò của TPCN nhưng cũng không được “thần thánh hóa” sản phẩm này. Đối với TPCN, người dùng có thể sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì mà không bắt buộc phải có hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, đối với một số bệnh, khi dùng TPCN, bệnh nhân cần có tư vấn của bác sĩ về liều lượng sử dụng...
Bộ Y tế quy định không được ghi TPCN vào đơn thuốc nên bác sĩ phải minh bạch trong kê đơn thuốc và TPCN. Với các sản phẩm hỗ trợ phòng và trị bệnh, thầy thuốc vẫn được phép kê cho bệnh nhân nhưng không được kê chung vào đơn thuốc điều trị bệnh; đồng thời, phải tư vấn rõ ràng cho người bệnh “đó là TPCN, không phải thuốc”.
Sẽ gắn mác GMP
Ông Nguyễn Thanh Phong cho hay hiện có hơn 20.000 sản phẩm TPCN được công bố tiêu chuẩn chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm. Trong đó, 60%-65% là TPCN sản xuất trong nước.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với cơ quan chuyên môn soạn tài liệu hướng dẫn thực hành tốt (GMP) đối với TPCN. Việc áp dụng tiêu chuẩn GMP đối với TPCN sẽ là công cụ để sàng lọc những sản phẩm kém chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.
Bình luận (0)