Những số liệu do Sở Y tế TPHCM cung cấp đã chứng tỏ việc khám chữa bệnh (KCB) trẻ dưới 6 tuổi đang đi đúng hướng: Nếu tỉ lệ trẻ được miễn phí từ 1-6 đến 31-12-2005 là 34%, thì từ 1-1 đến 31-3-2006 là 42,9%, trong đó tuyến quận, huyện đạt từ 93%-97%.
Trẻ được thanh toán mọi chi phí khám chữa bệnh
Cần một loại thẻ BHYT đặc biệt
Do phần lớn những khó khăn trong KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi được giải quyết, nên một số người làm công tác này lo ngại nếu mua thẻ BHYT cho trẻ thì tình hình có thể bị đảo ngược do những quy định khắt khe trong thanh toán của ngành BHXH. Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn nói: “Nếu bỏ thẻ khám bệnh mà chuyển sang BHYT thì ít nhất cũng phải được như hiện tại chứ không thể thụt lùi”. Tại cuộc làm việc với Sở Y tế TPHCM giữa tháng này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, nhấn mạnh việc mua thẻ BHYT đặc biệt, đúng nghĩa thực thanh thực chi. |
Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, cho biết mỗi ngày BV có từ 100-150 trẻ dưới 6 tuổi được khám ngoại trú, còn nhập viện thì trung bình 80 trẻ. So với thời gian đầu, giờ đây thủ tục nới lỏng rất nhiều, nên tình trạng nhiêu khê trong thủ tục hành chính đã giảm đáng kể. Nhưng cái được nhất là trẻ trẻ được thanh toán mọi chi phí KCB, kể cả kỹ thuật cao. Tại Khoa Phỏng BV Nhi Đồng 1, hàng chục trẻ phải nằm viện lâu ngày đều được miễn phí từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, điều mà trước ngày 1-6-2005 có nằm mơ cũng không thấy được. Tuần qua, bà Trần Thị Sen, ngụ tại quận 5 - TPHCM, có cháu xuất viện ở khoa này nói như nghẹn lời: “Nếu Nhà nước không miễn hơn chục triệu đồng thì nhà nghèo như tôi không biết lấy đâu ra tiền để chữa bệnh cho cháu”. Mới đây, ngày 19-5, UBND TP còn bổ sung thêm việc miễn phí những kỹ thuật, xét nghiệm phải làm bên ngoài nếu BV không thực hiện được, chẳng hạn chụp CT, MRI, chụp mạch máu xóa nền (DSA)... Như thế từ đây, khi phải điều trị ở các BV nhi, trẻ dưới 6 tuổi gần như không phải trả bất kỳ khoản nào cho những kỹ thuật cao cấp nhất.
Cũng nhờ sự quan tâm đặc biệt của UBND TP, nên cả loại bệnh chữa trị tốn kém như bệnh tim bẩm sinh cũng được miễn phí. Tính từ ngày 1-1-2006, thời điểm triển khai phẫu thuật miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, Viện Tim TPHCM đã nhận từ BV Nhi Đồng 1 gần 30 trẻ chuyển sang với số tiền miễn phí tròm trèm 1 tỉ đồng. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, cho biết sở cũng đang xin TP cho BV Truyền máu và Huyết học triển khai KCB miễn phí trẻ dưới 6 tuổi. Nếu điều này thành hiện thực thì quả là điều vui mừng và thuận lợi cho người dân.
Nhưng không thể uống nước lã để làm việc
Do không có tổ chức riêng, nên hiện tại nhân viên y tế kiêm nhiệm luôn hoạt động KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Nhờ tháo gỡ của UBND TP, nên BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 được giữ lại 30% kinh phí KCB để hỗ trợ đời sống nhân viên, điều này đã bù đắp phần nào công sức của người làm việc. Tuy nhiên, ở tuyến y tế cơ sở thì nhân viên y tế lại chưa được hưởng chính sách này. Theo bác sĩ Lương Sĩ Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế Tân Bình, nếu không được giải quyết, về lâu dài sẽ không còn ai... dám làm ngành nhi! Ông nói: “Nhân viên ngành y không thể uống nước lã để làm việc. Mỗi ngày chúng tôi khám khoảng 250 trẻ dưới 6 tuổi, nhưng chúng tôi chỉ được quyết toán thuốc men, hóa chất, vật tư tiêu hao... nhưng công khám bệnh thì không có. Được biết, thời gian qua tại cơ sở này đã có 3 bác sĩ nhi nghỉ làm, nguyên nhân ít nhiều do không chịu được những vất vả trong công việc.
Một áp lực khác trong công tác KCB trẻ dưới 6 tuổi của nhân viên ngành y là yêu cầu làm việc cả ngày cuối tuần. Hiện tại một số trung tâm y tế như Củ Chi, Bình Thạnh triển khai việc này, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, lâu dài là không thể vì phải tôn trọng những quy định của luật lao động. Ông cho biết ngành y tế bảo đảm cấp cứu mọi trường hợp, bất kể giờ nào người dân cần thì cơ sở y tế Nhà nước sẵn sàng phục vụ. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh thông thường, không phải cấp cứu, bà con nên đưa trẻ đi khám trong giờ vì nhân viên ngành y tế cũng có bổn phận với gia đình và nhu cầu nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Bình luận (0)