Bé Cao Trung Dũng và mẹ hiện ở nhà một người bà con tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Cậu bé sơ sinh tròm trèm 1,2kg, nhỏ như một con mèo, bác sĩ muốn chuyển từ phòng sinh xuống lồng ấp cũng không thể bế, đành để tạm vào một... chiếc chậu cho dễ di chuyển.
Một bác sĩ thân thiết chân thành khuyên gia đình: “Muốn hi vọng thì phải chuyển về Hà Nội, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong 24 giờ đầu. Có điều di chuyển quá xa, ô tô không có nguồn điện cho lồng ấp, gia đình phải chấp nhận nguy cơ...”. Cả gia đình rối như tơ vò.
“Hay là thuê máy bay trực thăng đón bé về Hà Nội?”. Ý tưởng ngỡ hơi viển vông của người cô không ngờ được cả gia đình hưởng ứng ngay. Liên hệ với đại diện Công ty Dịch vụ bay miền Bắc trong đêm, gia đình nhận được thông báo hợp đồng: “Chuyến bay Lai Châu - Hà Nội có giá hơn 20.000 USD, tức hơn 400 triệu đồng. Song thời tiết ngày Tết dương lịch đang rất xấu, có thể máy bay không hạ cánh được. Nếu máy bay không hạ cánh, gia đình phải chi trả 50% giá trị hợp đồng”.
Nhưng thời tiết ngày 1-1 quá xấu, nhiệt độ xuống thấp, phải chờ đến tận 12 giờ máy bay mới cất cánh từ Hà Nội. 14 giờ, máy bay đến Lai Châu. Trước nay, người dân Lai Châu muốn di chuyển bằng máy bay về Hà Nội vẫn phải đi vòng 200 km qua Điện Biên.
Không có điểm hạ cánh, gia đình chị Hải đã phải cầu cứu công an địa phương, xin được đỗ tại quảng trường tỉnh. Nhưng dù trực thăng đến nơi, có chỗ đậu rồi vẫn không tìm được cách hạ cánh. Thời tiết quá xấu, nhiệt độ xuống dưới 5°C, sương mù dày đặc, nếu liều hạ cánh có thể gây thảm họa.
“Máy bay không thể bay quá 30 phút trên quảng trường nếu muốn đủ nhiên liệu để trở về điểm hạ cánh. Quý khách thông cảm, chuyến bay thất bại”- thông tin từ phòng dịch vụ bay khiến những người thân của bé đều khuỵu ngã.
“Dù không còn tin cứu nổi con, tôi vẫn quyết định thực hiện phương án cuối cùng: đưa bé về Hà Nội bằng ô tô với quãng đường đi không dưới 10 giờ” - anh Cao Văn Hằng, bố bé Dũng, nhớ lại.
Hồi sinh
Nhưng dù đi bằng máy bay hay ô tô, gia đình vẫn phải lo hoàn toàn chuyện “hậu cần” để sử dụng được lồng ấp. Theo các cán bộ kỹ thuật của Bệnh viện tỉnh Lai Châu, lồng ấp chỉ hoạt động với nguồn điện 220V, trong khi máy bay và ôtô chỉ có nguồn điện rất hạn chế, không thể sử dụng để chạy lồng ấp được. Gia đình lại lặn lội tìm người “chế” ắcquy, kích điện để có thể sử dụng nguồn điện tại chỗ phục vụ hoạt động của lồng ấp.
Bác sĩ Lê Tố Như - Phó trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương - khẳng định chính chiếc lồng ấp đặc biệt của hành trình 500 km từ Lai Châu về Hà Nội đã làm nên điều diệu kỳ. “Chỉ có những bệnh viện quốc tế mới trang bị xe chuyên dụng có lồng ấp, còn lại chuyển cấp cứu xa thế này thường chỉ dùng phương án bóp bọng hoặc mẹ bồng con theo hình thức “kangaroo” nên sức khỏe trẻ thường bị xuống rất nhanh. Nhiều trẻ sinh non được vận chuyển từ xa về đây đều đã bị tím dọc đường, nhiễm khuẩn nặng, nên việc điều trị hồi phục rất hạn chế” - bác sĩ Như nói.
Chuyến ôtô vượt qua gần 500km đã về đến Hà Nội an toàn.
Dù vậy, khi nhập viện bé Dũng cũng đang nhiễm khuẩn, hai ngón chân nhỏ xíu đã bị hoại tử, vài phút lại ngưng thở một lần. Cả tháng đầu bé chỉ ăn bằng đường sonde, dọc hai tay, hai chân luôn cắm đủ loại tiêm truyền. Nhưng sau hai tháng điều trị, bé đã tăng thêm 2 kg. Đến nay tròn ba tháng rưỡi tuổi, bé đã nặng 5 kg, không khác gì đứa trẻ sinh đủ ngày đủ tháng.
Hôm 12-4, bác sĩ Như không giấu được xúc động: “Dù đã trực tiếp chăm sóc, theo dõi bé hai tháng trời từ khi mới lọt lòng nhưng buổi khám một tuần trước đây tôi vẫn không nhận ra. Các chức năng, cân nặng, sự phát triển hiện tại... đều không còn chỉ số nào mang “dấu vết” của một đứa trẻ sinh thiếu tháng”.
Người thuê máy bay chỉ là y tá Đại diện Công ty Dịch vụ bay miền Bắc cho hay công ty thỉnh thoảng vẫn nhận đơn đặt hàng vận chuyển bệnh nhân cấp cứu. “Đa số khách hàng là người nước ngoài, đi du lịch mạo hiểm, gặp tai nạn, không có cách nào khác phải dùng máy bay trực thăng để chuyển gấp về Hà Nội. Bệnh nhân là người Việt rất ít, bệnh nhi sơ sinh càng hiếm. Chi phí thuê máy bay rất đắt...”. Nhiều người biết chuyện đều hồ nghi bé Dũng phải sinh ra trong một gia đình đại gia nên người lớn mới “chịu chơi” đến vậy. “Hoàn toàn không. Tôi là y tá của bệnh viện huyện, vợ tôi phụ gia đình buôn bán vật liệu xây dựng” - anh Cao Văn Hằng nói. |
Bình luận (0)