Bạn đọc Trần Minh Anh (nam, 29 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM), hỏi: Từ nhỏ tôi vốn hay bị viêm amidan nhưng được điều trị bảo tồn, chưa cắt, từ đó đến nay, mỗi lần bị bệnh đường hô hấp thì nó lại trở chứng. Bệnh đã khỏi nhưng có khi khan tiếng mấy ngày chưa khỏi. Tôi lại làm công việc marketing, đôi khi phải nói nhiều, có lúc lại rượu bia đãi khách… nên tình hình càng tệ. Có lúc tôi uống thuốc có tác dụng lỏng đàm để khắc phục, do bạn tôi là bác sĩ kê nhưng anh ấy có nói không thể lạm dụng được. Vậy có cách gì để tôi bớt khan tiếng mà không cần dùng thuốc?
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:
Khan tiếng có nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do bệnh đường hô hấp ví dụ như cảm; ngoài ra còn do nói nhiều, âm lượng lớn; uống rượu nhiều; trời lạnh, mưa mà bạn lại uống nước đá nhiều; ăn đồ cay nóng…
Khan tiếng do bệnh cảm thường phải từ từ mới hết và để hết nhanh, bạn nên dùng các bài thuốc tự nhiên dễ làm như dùng tắc, chanh chưng với mật ong, đường phèn (có thể hấp cơm nếu không có nồi chưng). Phương pháp này còn giúp bạn giảm ho, cổ họng dễ chịu hơn khi bệnh.
Với các trường hợp khan tiếng do quá tải (nói nhiều, âm lượng lớn), hay do kích ứng (dùng nhiều đồ cay nóng, uống rượu gây nóng…), bạn có thể dùng nước giá ấm. Giá rửa sạch, nấu với nước cho sôi lên, để nguội bớt sao cho còn hơi ấm, nhấp từng chút một. Ngoài ra, có thể dùng một lát chanh chấm với muối, ngậm sâu vào miệng, ngày làm khoảng 3-4 lần.
Bạn có thể dùng thêm món bông hẹ xào trong bữa cơm, hoặc canh hẹ - đậu hũ non. Ăn, uống thêm các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, chanh… cũng làm bạn đỡ khan tiếng hơn.
Trên hết, bạn đã biết mình dễ bị khan tiếng thì nên giữ ấm khi đi vào vùng có khí hậu lạnh, tránh dầm mưa, hạn chế uống nhiều rượu hay ăn đồ quá cay, nóng. Khi nói chuyện nên giữ âm lượng vừa phải, nếu phải nói nhiều trong không gian lớn, cần âm lượng lớn như diễn thuyết chẳng hạn thì nên dùng micro hỗ trợ.
Bình luận (0)