Đau thắt ngực là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị các bệnh tim mạch. Hiện nay có khá nhiều loại thuốc để điều trị triệu chứng này. Tuy nhiên, đây lại là nhóm thuốc có độ an toàn sử dụng hẹp nên cần hết sức thận trọng, để tránh những tai biến nguy hiểm. Một số bệnh làm tăng cường các nguy cơ bị cơn đau thắt ngực như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ nhất là ở những người béo phì, ít vận động thể lực. Đừng quá lệ thuộc vào thuốc, thường chỉ có tác dụng nhất thời mà phải có một lối sống tích cực với các biện pháp rên luyện thể lực phù hợp, giảm bớt số cân nặng, điều hòa huyết áp động mạch, ổn định hàm lượng cholesterol và đường huyết trong máu.
Thuốc điều trị cơn đau thắt ngực mạn tính thường được sử dụng nhiều nhất là nitroglycerin và các nitrat. Có khá nhiều biệt dược thuộc nhóm thuốc này với nhiều dạng bào chế, tiện lợi cho người sử dụng, như viên ngậm dưới lưỡi, viên thuốc uống bao phim tác dụng kéo dài, thuốc xịt vào họng, thuốc mỡ hoặc miếng dán ngoài da... Hoạt chất trên các nhãn thuốc của nhóm này là các tên sau: nitroglycerin, isosorbide, mononitrat hoặc dinitrat, pentaerythritol tetranitrat. Dạng viên ngậm dưới lưỡi có tác dụng rất nhanh trong vòng vài phút và có thể kéo dài tác dụng khoảng 30 - 45 phút. Tác dụng phụ của nhóm này là thường gây nhức đầu, gây nóng bừng mặt, khó chịu, nhất là ở người mới sử dụng. Triệu chứng này sau đó sẽ giảm dần.
Các thuốc ức chế beta như propanolon, metoprolol, atenolol, acebutolol... có tác dụng làm giảm nhịp tim và giảm co bóp cơ tim; do đó, làm giảm nhu cầu ôxy cơ tim và giảm thiếu máu cục bộ cơ tim cho nên có hiệu quả phòng ngừa cơn đau thắt ngực.
Các thuốc ức chế can xi gây tác dụng giãn động mạch vành và động mạch ngoại vi; tuy nhiên, nhóm này lại còn có tác dụng làm hạ huyết áp nhanh, đôi khi gây ra nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn... Hiện nay hay dùng các biệt dược mà thành phần hoạt chất là nifedipin, amlodipin, felodipin, verapamin, ditiazem, depridil...
Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà thầy thuốc chuyên khoa sẽ lựa chọn thuốc thích hợp với từng người. Cần đặc biệt chú ý đến tình trạng bệnh đi kèm như bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, cơn đau nửa đầu, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tim...
Bình luận (0)