Nghiên cứu của chuyên gia về virus học Yoshihiro Kawaoka từ Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) và Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã xem xét hiệu quả của một số thuốc kháng virus phổ biến như Molnupiravir, Remdesivir, kháng thể đơn dòng của các hãng Pfizer, Regeneron và GlaxoSmithKline trên biến chủng BA.2, là một trong các nhánh của biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2.
BA.2 cũng chỉ gây bệnh nhẹ ở nhóm người đã được tiêm chủng như BA.1 nhưng lây lan nhanh hơn (Ảnh minh họa từ Internet)
Bài công bố trên Tạp chí Y học Anh Quốc (NEJM) xác nhận tất cả các thuốc nói trên đều hiệu quả với biến chủng này.
Trước đó, BA.2 gây lo ngại ở một số quốc gia vì lây lan còn nhanh hơn BA.1 ban đầu trong chủng Omicron. Các khảo sát gần đây tại TP HCM và Hà Nội cũng cho thấy tỉ lệ mắc BA.2 hiện nay đã cao hơn BA.1.
Kết quả thí nghiệm mới cho thấy hiệu quả của Molnupiravir và Remdesivir cũng như kháng thể đơn dòng Paxlovid của Pfizer ở BA.2 và BA.1 là như nhau.
Trong khi đó kháng thể đơn dòng của Regeneron và GlaxoSmithKline thậm chí "tiêu diệt" BA.2 còn hiệu quả hơn so với BA.1.
Theo Medical Xpress, song hành với sự xuất hiện của Omicron và các biến chủng phụ là mối lo ngại thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng vốn được tạo ra dựa trên Delta và các chủng trước đó sẽ trở nên kém hiệu quả. Nhưng rõ ràng nghiên cứu mới đã bác bỏ sự hoài nghi.
Việc tiếp cận thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng dễ dàng hơn cho các đối tượng nguy cơ, bên cạnh việc Omicron chỉ gây bệnh rất nhẹ ở người khỏe mạnh đã tiêm chủng, được cho là những yếu tố có thể giúp đại dịch Covid-19 dần đi tới hồi kết.
Bình luận (0)