Tại hội thảo "Phòng chống buôn lậu thuốc lá" do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức sáng 17-7, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết theo điều tra toàn cầu, tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam là trên 45% và con số người sử dụng thuốc lá không ngừng tăng lên, nhất là giới trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN, sau Indonesia và Philippines. Mỗi năm, nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá.
Buôn lậu thuốc lá ngày càng phức tạp, tinh vi
Do nhu cầu sử dụng thuốc lá cao nên đây cũng là cơ hội cho những đối tượng buôn lậu thuốc lá vào Việt Nam. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tại các địa bàn trọng điểm như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Bình Phước, TP HCM, Quảng Trị buôn lậu thuốc lá vẫn gia tăng. Ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới khoảng 400.000 - 500.000 bao các loại. Điển hình, vụ buôn lậu thuốc lá điếu trên biển lớn nhất từ trước tới nay, do Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phá án ngày 19-3-2020 trên tàu Chung Ching, tại vùng biển vịnh Bắc Bộ đang sang mạn trái phép thuốc lá điếu xuống các xuồng cao tốc không có số hiệu, đưa vào nội địa tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 22 thuyền viên là người nước ngoài, khoảng 8.549 kiện thuốc lá điếu ngoại các loại (tương đương gần 4,3 triệu bao thuốc lá điếu)...
Hội thảo bàn nhiều giải pháp để từng bước đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá Ảnh: Hải Anh
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thủ đoạn chủ yếu của các chủ đầu nậu là tập kết hàng sát biên giới, thuê "cửu vạn", cư dân biên giới, chờ thời cơ vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nội địa cất giấu tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, các đối tượng chia thành từng nhóm (có nhóm hàng trăm đối tượng) mang vác hoặc sử dụng xe máy, xuồng, ôtô vận chuyển với tốc độ lớn; chúng trang bị các công cụ, phương tiện thông tin hiện đại để giám sát, theo dõi lực lượng chức năng, bố trí người cảnh giới, dẫn đường, chống trả ở các địa điểm mà chúng vận chuyển hàng qua lại.
Ngay cả trong thời điểm cả nước nỗ lực chống dịch Covid-19, các đối tượng buôn lậu thuốc lá vẫn có những thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng chống đối, tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Đáng nói là việc buôn lậu thuốc lá qua biên giới tiềm ẩn nguy cơ rất cao về việc lây lan bùng phát virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 từ nước ngoài vào nội địa.
Thuốc lá nhập lậu có chất gây hại cao gấp 1,5 lần
Ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho biết khi Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá tiến hành phân tích một số mẫu thuốc lá lậu đã phát hiện 2 mẫu có hàm lượng các chất độc hại cao hơn mức thông thường, vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế.
Tại Việt Nam, ngày 18-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, cùng đó, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy khác về chống buôn lậu thuốc lá. Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế và ngăn chặn vấn nạn buôn lậu thuốc lá nhưng tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh... Nguyên nhân chính khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng đó là lợi nhuận siêu khủng, chỉ sau buôn bán ma túy.
Thống kê cho thấy hằng năm, nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỉ đồng, "chảy máu" ngoại tệ khoảng 500 triệu USD. Đặc biệt, thuốc lá nhập lậu đồng nghĩa với không làm thủ tục hải quan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài phương thức mua bán truyền thống, trên thị trường còn xuất hiện thuốc lá điện tử, thuốc lá mới, hình thức mua bán qua môi trường mạng chưa có biện pháp quản lý.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh phòng chống nạn buôn lậu thuốc lá. Từ đó, xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập của chính sách, pháp luật, tăng chế tài xử phạt để tăng sức răn đe. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, tình hình buôn lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, vì có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử. Hiện nghị định này đang trong quá trình xem xét, lấy ý kiến.
Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, các chuyên gia cho rằng cần có biện pháp tuyên truyền để người dân không buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá; vận động người tiêu dùng thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam. Sản phẩm này được đưa vào Việt Nam qua đường xách tay hoặc nhập lậu không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là thanh thiếu niên.
Bình luận (0)