31.000 tỉ đồng chi cho thuốc lá mỗi năm
Chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam luôn xếp ở cuối trong bảng xếp hạng các quốc gia, tỉ lệ hút thuốc lá cao và luôn xếp trong top 15 quốc gia tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới.
Trung bình cứ 2 nam giới thì có một người hút thuốc. Mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh lý có liên quan đến thuốc lá. Con số này có thể tăng lên 70.000 người vào năm 2030.
Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, số tiền người dân chi mua thuốc lá một năm là 31.000 tỷ đồng. 24.000 tỷ đồng là chi phí y tế liên quan tới tác hại của khói thuốc lá.
Bên cạnh thuốc lá điếu, thị trường nước ta còn nhiều sản phẩm thuốc lá khác bao gồm thuốc lào, xì gà, thuốc lá tẩu... Hơn 4-5 năm trở lại đây, thị trường chợ đen ngày càng phổ biến và lan rộng các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (hay còn gọi là thuốc lá nung nóng, thuốc lá không khói). Bên cạnh đó là các sản phẩm cung cấp nicotin thay thế thuốc lá như miếng dán nicotin, bình xịt nicotin, ống hít nicotin, thuốc lá ngậm…
Thuốc lá thế hệ mới được bày bán tràn lan, công khai trên mạng xã hội
Hiện nhu cầu cho các sản phẩm này đang tăng cao qua nhiều năm. Một chuyên gia về thương mại điện tử cho biết các sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay dễ dàng đến tay người tiêu dùng bởi kênh phân phối quá đa dạng, trong đó có sự góp sức rất lớn từ các sàn giao dịch thương mại điện tử. Mỗi năm, nhiều vụ mua bán quy mô lớn đã bị thu giữ, trong đó có những lô hàng ước tính lên tới hàng tỷ đồng. Đáng quan ngại, theo các cơ quan chức năng, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lý do là chưa có cơ quan nào quản lý nên ngoài các nhóm kín trên mạng xã hội, còn tổ chức mở cửa hàng kinh doanh, hoạt động trá hình nên việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn.
Nên sớm quản lý theo luật của quốc gia
Trong vai trò của một tổ chức y tế công cộng toàn cầu, hiện WHO vẫn thận trọng đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Nếu việc ngăn cản sự hiện diện các sản phẩm thuốc lá mới là không khả thi thì cần phải đưa những sản phẩm này vào quản lý và chịu sự kiểm soát của luật phòng chống thuốc lá ở từng nước. WHO lý giải nếu để các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện diện trên thị trường mà không chịu sự quản lý thì sẽ đe dọa việc thực thi chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia, ảnh hưởng tới nỗ lực chống bình thường hóa hành vi sử dụng thuốc lá được thiết lập bởi FCTC.
WHO cũng đặc biệt nhấn mạnh, cần tuyệt đối không để trẻ em, thanh thiếu niên và nhóm người dễ bị tổn thương tiếp cận đến các sản phẩm này. Tại Việt Nam, giới trẻ là đối tượng chủ yếu của các mặt hàng buôn lậu vì có thể được tiếp cận dễ dàng thông qua các kênh "chui" như mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử.
Sự có mặt của các sản phẩm thuốc lá và nicotin thế hệ mới trên phần lớn các nước đã được thảo luận tại Hội nghị các Bên (COP) do WHO chủ trì từ phiên họp thứ 3 (COP3) vào năm 2008. Theo đó, Công ước Khung FCTC ra đời là nhằm hướng dẫn các nước thực thi kiểm soát việc hút thuốc lá trên toàn cầu.
Hội nghị các Bên phiên họp thứ 7 (COP7) đã đưa ra các phương án quản lý chi tiết đối với thuốc lá điện tử có nicotin (ENDS) và không có nicotin (ENNDS), nếu việc cấm là không khả thi. Theo đó, một số điểm nổi bật trong việc quản lý chính là không cho phép sản phẩm tiếp cận đến những đối tượng chưa thành niên, bao gồm hạn chế mùi hương của sản phẩm. Ngoài ra còn có cấm quảng cáo, các biện pháp chống buôn lậu, quy định an toàn cháy nổ, ngăn ngừa các công bố liên quan đến sức khỏe chưa được kiểm chứng… Liên quan đến vấn đề thuế lên sản phẩm này, văn bản COP7 cũng nêu rõ các sản phẩm thuốc lá điếu nên bị đánh thuế ở mức cao hơn ENDS/ENNDS để ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc và giảm việc tái hút thuốc.
Hội nghị các bên phiên họp thứ 8 (COP8), WHO xếp loại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, nằm trong phạm vi điều chỉnh của tất cả các điều khoản liên quan của Công ước Khung FCTC của WHO cũng như các quy định và sự kiểm soát có liên quan của nước sở tại.
Báo cáo tiến độ Toàn cầu năm 2018 về việc Thực hiện Công ước Khung FCTC, các quốc gia đều đánh giá rằng các sản phẩm thuốc lá và sản phẩm nicotin thế hệ mới trên thị trường của mình thường là nằm ngoài khung pháp lý hoặc khung quy định của các quốc gia này. Cụ thể, tại thời điểm đó chỉ 63/102 quốc gia mà thuốc lá thế hệ mới hiện diện trên thị trường đã có khung quản lý áp dụng cho các sản phẩm này.
Tại Việt Nam, vấn đề kiểm soát thuốc lá thế hệ mới đang trong giai đoạn chờ đợi ý kiến từ Chính phủ. Việc sớm có chỉ đạo từ Chính phủ sẽ không chỉ phù hợp với định hướng từ WHO mà còn đáp ứng được nguyện vọng của các cơ quan quản lý liên quan cũng như sự chờ đợi của người dùng và cộng đồng xã hội đối với những sản phẩm thuốc lá mới đã bị buông lỏng trong suốt nhiều năm qua.
Bình luận (0)