Dinh dưỡng ở trong lươn rất cao. Các nhà dinh dưỡng đã phân tích được cứ 100 g thịt lươn sẽ cho chúng ta 285 calo năng lượng do có: 25,6 g chất béo; 12,7 g đạm; các vitamin (A, betacaroten, B1, niacin, riboflavin, B6…) và nhiều khoáng chất (sắt, natri, kali, calci, magie…).
Thịt lươn cuốn lá lốt nướng ăn là bài thuốc chữa tê thấp, hầm với rau dừa nước làm thuốc bổ máu; xương lươn đem phơi hoặc sấy khô giòn, rây bột mịn, uống với nước ấm chữa đau lưng.
Theo y dược Trung Hoa, lươn có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp, trĩ nội, bệnh huyết trắng ở phụ nữ, tăng cường dương khí, giúp máu huyết lưu thông, trị chứng khô miệng, đau nhức trong tai. Tuy nhiên, phụ nữ có thai thì được khuyên không nên ăn thịt lươn. Với đặc tính bổ dưỡng và sinh khí huyết, máu lươn (thiện ngư huyết) tăng cường khả năng tình dục.
Theo kinh nghiệm của ông cha ta, thịt lươn được sử dụng để chế biến một số bài thuốc hiệu quả sau đây: Mổ bỏ ruột gan và tạng phủ của một con lươn rồi nướng, sau đó đem rang với 10 g đường vàng và tán bột; pha bột này với nước ấm với lượng vừa phải để uống 3-4 lần/ngày, mỗi lần 1-2 muỗng cà phê; bài thuốc này dùng trị tiêu chảy với phân có đàm nhớt và máu.
Trẻ em biếng ăn, bụng ỏng đít beo, đại tiện phân sống, gầy còm là chắc chắn suy dinh dưỡng. Món ăn từ lươn để sử dụng cho trường hợp này được chế biến bằng cách lấy 300 g thịt lươn cùng với các vị dược liệu gồm đương quy, đẳng sâm (mỗi thứ 15 g) cho vào túi vải bỏ vào nồi với lượng nước vừa phải nấu trong 1 giờ rồi vớt bỏ túi thuốc, thêm gia vị (hành, gừng, muối), nấu thêm 1 giờ nữa là được.
Lưu ý khi nấu lươn nên dùng nồi đất vì lươn kỵ kim khí. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy nồi đất làm bớt mùi tanh của lươn. Máu lươn tương khắc với kim loại do đó khi làm thịt lươn không nên dùng dao sắt, tốt nhất là dùng cật tre vót mỏng.
Bình luận (0)