Theo Luật Dược của Việt Nam hiện hành, hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Hạn dùng của thuốc được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn.
Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn. Ví dụ: nếu hạn dùng này 25-12-2019, thuốc dược phép sử dụng tối đa đến ngày 25-12-2019; nếu hạn dùng tháng 12-2019, thuốc dược phép sử dụng tối đa đến ngày 31-12-2019. Ngày hết hạn có thể được tìm thấy được in trên nhãn, hoặc đóng dấu lên chai hoặc thùng carton, đôi khi theo sau chữ EXP (tiếng Anh) hay HD (tiếng Việt).
Theo quy định, nhân viên cấp phát thường xuyên kiểm tra hạn dùng từ khâu nhập, lưu trữ, cấp phát. Tại kho cấp phát thuốc nội trú trong bệnh viện, nhân viên cấp phát và điều dưỡng nhận thuốc sẽ phải kiểm tra đối chiếu thuốc cấp phát/nhận (tên thuốc, hạn dùng...). Tại khoa lâm sàng, điều dưỡng thường xuyên kiểm tra hạn dùng thuốc trong tủ trực. Khi sử dụng, phát thuốc cho người bệnh luôn kiểm tra lại thuốc, trong đó có hạn dùng.
Thuốc đang từ khoa dược của bệnh viện, khi có chỉ định, kê toa của bác sĩ thì nhân viên tại khoa dược phải kiểm tra về số lượng, thời hạn sử dụng của thuốc. Sau đó, nhân viên điều dưỡng sẽ chuyển thuốc này đến thực hiện cho người bệnh.
Về nguyên tắc, người bệnh, thân nhân có thể yêu cầu được xem hạn sử dụng thuốc, loại thuốc trước khi nhân viên điều dưỡng thực hiện y lệnh của bác sĩ trong quá trình người bệnh nằm điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, lâu nay hầu như tâm lý người bệnh ít ai yêu cầu vấn đề này, vì vậy "hạn sử dụng thuốc" còn hay hết hạn không ai để ý.
Bình luận (0)