Huyết khối (hay còn gọi là cục máu đông) do nhiều nguyên nhân có thể xuất hiện sau chấn thương. Sự cản trở dòng máu lên do huyết khối và tăng áp suất của tim dẫn đến hội chứng và các dấu hiệu thuyên tắc phổi. Nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi gia tăng trong nhiều trường hợp khác như bệnh nhân ung thư và bất động kéo dài do chấn thương.
Suýt chết do chẩn đoán sai
Bệnh nhân nam N.V.T (30 tuổi; ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM) nhập viện tại Bệnh viện (BV) Trưng Vương trong tình trạng suy hô hấp nặng, bứt rứt, tím môi và các đầu chi. Trong lúc các bác sĩ (BS) kiểm tra sức khỏe, nồng độ ôxy trong máu của bệnh nhân giảm dữ dội, gây thiếu ôxy cấp. Theo BS Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Trưng Vương (TP HCM), với các triệu chứng lâm sàng, ban đầu các BS nghi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, kết quả điện tâm đồ hoàn toàn loại bỏ nghi ngờ này. BS lại nghĩ ngay đến khả năng bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi. "Chụp hình mạch máu, chúng tôi phát hiện toàn bộ động mạch phổi, tĩnh mạch cẳng chân đều bị thuyên tắc" - BS Lan kể.
Các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương hỏi thăm bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi đã hồi phục
Người nhà cho hay 2 tuần trước đó, anh T. bị tai nạn xe máy, té ngã xuống đường. Đến BV, anh được chẩn đoán gãy mâm chày, chỉ định bất động vùng thương tổn (bó bột) và điều trị nội khoa, sau đó anh được cho xuất viện. Bốn ngày sau, bắp chân anh T. bắt đầu sưng to, căng, thường xuyên đau ngực và khó thở… Vào BV Trưng Vương cấp cứu, sau thăm khám, các BS đã áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch. Bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch, sức khỏe tốt và hoàn toàn hết đau ngực.
BS Lan phân tích sau những chấn thương do tai nạn, các phương pháp bất động trong xử lý chấn thương như bó bột có thể gây tắc mạch, tạo nên tụ huyết khối. Những cục huyết khối này hình thành từ hệ tĩnh mạch theo dòng máu đến động mạch phổi gây thuyên tắc phổi. Do vậy, BS cần hết sức lưu ý khi điều trị cho những bệnh nhân bị chấn thương sau tai nạn.
Nên tầm soát với nhóm có nguy cơ cao
Cũng khốn khổ vì té ngã là trường hợp của bà N.T.B (67 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Bà được đưa vào BV Thống Nhất (TP HCM) cấp cứu trong tình trạng khó thở, đau ngực… Kết quả siêu âm mạch máu cho thấy bà có nhiều cục máu đông trong tĩnh mạch dưới chân trái. Người nhà thuật lại sau khi bị vấp ngã, bà được BV gần nhà chẩn đoán gãy xương cẳng chân trái rồi bà được bó bột. Xuất viện được 10 ngày, cẳng chân bà sưng to lên, thở khó; người nhà lo lắng nên đưa bà vào cấp cứu.
BS Lê Văn Nam, Trưởng Khoa Tim mạch - Lồng ngực BV Thống Nhất, nhận định thuyên tắc động mạch phổi là một bệnh khá thường gặp với những bệnh nhân ít vận động do chấn thương sau tai nạn. Dù vậy bệnh này khó chẩn đoán vì dễ nhầm với các bệnh khác. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp, tỉ lệ tử vong lên đến 30%. BS Nam khuyến cáo khi có các triệu chứng như tức ngực, khó thở, người bệnh nên đến BV chuyên khoa để BS theo dõi, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân triệu chứng lại không rõ ràng; có thể xuất hiện những thay đổi huyết động nặng nề, tụt huyết áp, sốc, hôn mê, ho ra máu...
Nhóm những người có nguy cơ cao về tụ huyết khối như người già ít vận động, những người bị té sau chấn thương, suy giãn tĩnh mạch, tăng đông máu, đa hồng cầu, béo phì… có nguy cơ gây thuyên tắc động mạch phổi rất cao. Do vậy cần phải thường xuyên tập thể dục thể thao như đi hoặc chạy bộ, thường vận động tay chân... "Mặt khác, cũng nên lưu ý những bệnh nhân chấn thương sau tai nạn. Nhóm người có nguy cơ cao trong nhóm tụ huyết khối thì nên cho uống thuốc chống đông dự phòng huyết khối khi có dấu hiệu" - BS Nam nói.
20%-30% bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng
BS Nguyễn Thị Phương Lan thông tin những trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu thường có triệu chứng sưng đau, liệt yếu chi (khoảng 70%). Ngoài ra, 20%-30% bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng. Để phát hiện, nên siêu âm mạch máu chi dưới. Việc can thiệp càng sớm càng giảm chi phí điều trị và bệnh nhân sẽ ít gặp nguy hiểm hơn.
Bình luận (0)