Việc giám sát cúm A/H7N9 đang được tăng cường tại các cửa khẩu, sân bay
Đáng sợ hơn dịch SARS
Ảnh: NGỌC DUNG
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, dù các nhà khoa học chưa có đủ bằng chứng cho thấy virus cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng cũng không đủ các căn cứ để loại trừ khả năng này. Ông Long nhận định: Khác với virus cúm gia cầm H5N1, dịch chỉ xuất hiện khi có gia cầm bệnh hoặc chết, ở Trung Quốc, dù phát hiện nhiều mẫu gia cầm sống dương tính với virus H7N9 nhưng lại chưa phát hiện được các ổ dịch gây gia cầm bệnh hoặc chết do virus cúm này.
“Các nhà khoa học nhận định virus cúm A/H7N9 có khả năng lây mạnh hơn so với cúm A/H5N1; tỉ lệ tử vong lại khá cao, chiếm hơn 20%. Trong khi đó, dịch SARS dù gây nhiều căng thẳng và hoang mang nhưng tỉ lệ tử vong thấp (hơn 10%). Đến thời điểm này, virus H7N9 được coi là nguy hiểm đối với con người bởi vắc-xin để phòng bệnh, miễn dịch cộng đồng chúng ta chưa có” - ông Long cảnh báo.
Các loại cúm mùa đều có thể gây tử vong
Trái với những lo ngại của dư luận về việc đại dịch cúm A/H1N1 sẽ bùng phát trở lại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng đây là hiện tượng bình thường, người dân không nên hoang mang. Sau khi bùng phát năm 2009, từ tháng 8-2010, đại dịch cúm A/H1N1 đã bước vào giai đoạn hậu đại dịch. Hiện chưa phát hiện sự biến đổi gien của virus cúm này. Trong 3 tháng đầu năm 2013, có trên 300.000 người nhiễm cúm A/H1N1, trong đó 3 trường hợp tử vong. Năm 2012, cúm B và cúm A/H3N2 đã gây bệnh nhiều nên không ít người có kháng thể với các type cúm này, vì vậy năm nay, cúm H1N1 phổ biến hơn do khối cảm nhiễm lớn hơn.
BS Nguyễn Văn Kinh, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết mỗi ngày bệnh viện này khám sàng lọc khoảng 120 bệnh nhân nghi cúm, trong đó phát hiện 4 - 5 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, phần lớn ở thể nhẹ. Bệnh viện này vẫn đang điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng khá nặng, phải thở máy.
Theo ông Trần Thanh Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm A/H1N1 có xu hướng gia tăng có thể do chu kỳ dịch bệnh. Kết quả giám sát cúm 4 tuần gần đây cho thấy tùy từng thời điểm, virus cúm A/H1N1 chiếm tỉ lệ 55%-70% so với các chủng virus cúm mùa khác; trong khi đó, virus cúm B giảm mạnh, thậm chí có lúc biến mất. Tuy nhiên, kết quả giám sát các ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, có khoảng 10% số ca viêm phổi nặng là do virus cúm, trong đó cúm B chiếm hơn 40%, cúm A/H1N1 chiếm 32% và cúm H3N2 là 27%. “Điều đó cho thấy tất cả virus cúm mùa đều có thể gây nên tình trạng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong chứ không riêng gì H1N1” - ông Dương nhận định.
Dịch cúm A/H5N1 còn phức tạp Quảng Ninh: Cấm nhập gia cầm qua biên giới PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Long An, trong đó 1 người đã tử vong. Việc vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu qua các tỉnh biên giới đang có dịch cúm là Campuchia và Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp; các ổ dịch cúm trên gia cầm xuất hiện rải rác ở nhiều tỉnh, thành; tình trạng người dân mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm bệnh chết vẫn còn nên số ca nhiễm cúm A/H5N1 sẽ tăng cao. Ngày 4-5, tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết để ngăn chặn nạn gà lậu và các loại gia cầm khác có nguy cơ mang dịch cúm A (H7N9 và H5N1) từ vùng dịch ở Trung Quốc vào Việt Nam, cơ quan này vừa có văn bản cấm tất cả hoạt động nhập khẩu, trao đổi gia cầm và sản phẩm gia cầm qua các cửa khẩu, lối mở, đường qua lại biên giới.
N.Dung - Tr.Đức |
Bình luận (0)