Theo bác sĩ Vũ Đức Công, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, gần đây có những thông tin rằng hormon có thể đưa vào cơ thể thông qua mạch máu, đây là thông tin không chính xác. Tiêm hormone sinh dục là một liệu pháp điều trị đối với trường hợp chuyển giới. Với estrogen và testosterone lần lượt là hormone chủ đạo đối với chuyển giới nữ và chuyển giới nam.
Bản chất 2 loại hormone này đều tan trong mỡ nên không thể tiêm trực tiếp vào mạch máu mà được tiêm bắp. Do đó việc tiêm trực tiếp vào máu có nguy cơ gây thuyên tắc mạch máu, ảnh hưởng tính mạng người được tiêm.
"Hiện tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc được cho phép tiêm hormone cho người chuyển giới mà vốn chỉ mới có những dự thảo về vấn đề này nên việc điều trị chính thống và cấp phép có lẽ còn dài hơi"- bác sĩ Công nói.
Bác sĩ Vũ Đức Công, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC
Đối tượng được chỉ định tiêm hormone theo lý thuyết là người được chẩn đoán bức bối giới hay còn gọi là rối loạn phiền muộn giới (gender dysphoria). Trước khi quyết định điều trị nội tiết, người bệnh nên được tầm soát và chẩn đoán đúng về tình trạng phiền muộn giới.
Bác sĩ Công cho hay tự tiêm, hoặc tiêm hormon tại cơ sở không có chuyên môn có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cụ thể, người được tiêm có nguy cơ thuyên tắc mạch máu; tổn thương thần kinh, mạch máu nếu không tiêm đúng cách; nhiễm trùng, áp xe nếu không sát khuẩn đúng kỹ thuật. Trong quá trình tiêm, nếu không theo dõi định kỳ sẽ khiến việc tiêm không hiệu quả hoặc gây biến chứng lên các cơ quan khác.
Một loại hormone nữ đường tiêm
Cần hiểu việc tiêm hormone (estrogen đối với chuyển giới nữ hoặc testosterone đối với chuyển giới nam) là bước bắt buộc trước khi bước vào giai đoạn quan trọng của người chuyển giới, đó chính là phẫu thuật. Thông thường giai đoạn điều trị nội tiết kéo dài ít nhất 1-2 năm. Tuy nhiên, ngoài 2 loại này thì vẫn có những thuốc khác bổ trợ khi điều trị tùy theo phác đồ chuyển giới nam hoặc nữ.
Tiêm hormone cần được sự theo dõi và thực hiện tại cơ sở có chuyên môn nhằm duy trì tốt mức nội tiết để có được tình trạng cơ thể mong muốn. Ngoài ra, việc tiêm hormone có ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như gan, huyết học, tâm thần, xương,... chứ không chỉ riêng về thay đổi bên ngoài cơ thể. Vì vậy, bác sĩ Công khuyến cáo người được tiêm hormon cần kiểm tra sức khỏe định kỳ theo lịch của bác sĩ để được tư vấn và duy trì sức khỏe tối ưu nhất.
Bình luận (0)