Theo đó, sẽ tổ chức triển khai dưới hình thức tiêm chủng bổ sung tại nhà trường kết hợp với tiêm chủng tại cơ sở y tế, tiêm chủng ngoài trạm. Nếu triển khai tại trường học, đối tượng tiêm chủng là trẻ em đang học lớp 2. Tại trạm y tế, đối tượng tiêm chủng trong độ tuổi nói trên nhưng không đi học và nhóm cần tiêm vét. Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm cho đối tượng là trẻ 7 tuổi không đi học tại các địa phương là vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. Tổng số trẻ tham gia chương trình này là trên 1 triệu cháu, bao gồm trên 260.000 cháu ở miền Bắc, gần 144.000 cháu ở miền Trung, gần 109.000 cháu ở Tây Nguyên và trên 494.000 cháu ở miền Nam. Mục tiêu là hơn 90% trẻ trong nhóm này được tiêm chủng. Tại các điểm tiêm chủng cũng được bố trí các đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, nếu có.
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhờ triển khai vắc-xin bạch hầu trên diện rộng, tỉ lệ mắc bạch hầu đã giảm 410 lần so với trước khi triển khai. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, cả nước vẫn ghi nhận khoảng 10-20 các ca mắc bạch hầu/năm, rải rác ở một vài tỉnh, thành phố. Từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, ghi nhận xu hướng tăng số ca mắc bạch hầu.
Theo PGS Hồng, bệnh bạch hầu có thể lây truyền ở mọi lứa tuổi. Người lớn, trẻ lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có khả năng đề kháng cao và tồn tại không chỉ ở người mắc bệnh mà cả người lành mang vi khuẩn nên bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở nơi chưa từng xuất hiện bệnh trước đó. Khi chưa có kháng thể bảo vệ, mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bạch hầu khi tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, ở những vùng tỉ lệ tiêm chủng thấp, những trẻ nào tiêm chủng không đủ mũi, đúng lịch đều có nguy cơ mắc bệnh. Hơn nữa, không có vắc-xin nào đạt được hiệu quả bảo vệ 100%. Trên thực tế chỉ 85%-90% những người đã tiêm đủ số mũi vắc-xin có thể sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bạch hầu. Tùy theo đặc tính của từng cơ thể, 10%-15% còn lại vẫn không có hoặc không tạo đủ miễn dịch bảo vệ. Việc thực hiện các hoạt động tiêm chủng bổ sung sau 5-10 năm cho nhóm trẻ lớn là cần thiết để củng cố miễn dịch, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh quay trở lại - bà Hồng lý giải.
Bình luận (0)