TS-BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM), cho biết tiêm mũi 3 là để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi tiêm vắc-xin sẽ có một lượng kháng nguyên vào cơ thể kích thích cơ thể sinh ra kháng thể chống lại Covid-19.
Cần thiết mũi tiêm thứ 3
Theo kế hoạch dự kiến từ ngày 10-12, TP HCM sẽ tiêm vắc-xin liều bổ sung (mũi 3) cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên bao gồm các nhân viên y tế (người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19); lực lượng tuyến đầu chống dịch; người có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...); người có bệnh nền; người được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19 sẽ giúp không bị bệnh nặng, nếu bị bệnh thì nguy cơ tử vong là thấp và hiệu quả này có được sau khi tiêm ít nhất là trong khoảng 6 tháng. Nghiên cứu cho thấy kháng thể chống Covid-19 sẽ giảm đi phân nửa sau 108 ngày (khoảng 15 tuần).
Sau khi tiêm vắc xin khoảng 4-6 tháng, kháng thể bị giảm đi và nếu bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 sẽ có thể mắc bệnh và không bị bệnh nặng. Dù bệnh không nặng nhưng do các virus đã sinh sản trong cơ thể nên sẽ có thể lây bệnh cho người khác. Vì vậy, tiêm mũi 3 đối với người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người làm việc ở môi trường nguy cơ là cần thiết.
Đồng quan điểm, TS-BS Nguyễn Huy Luân cho rằng cần ưu tiên tiêm mũi 3 cho người lớn tuổi, mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, bởi các đối tượng này có hệ miễn dịch yếu, tính sinh miễn dịch của vắc-xin có thể kém hơn người trẻ và người khỏe mạnh. Đồng thời, nhóm đối tượng này cũng dễ có biến chứng nặng khi mắc Covid-19, nguy cơ càng cao hơn nếu nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Khám sàng lọc cho người cao tuổi trước khi tiêm vắc-xin Covid-19 tại TP HCM
F0 khỏi bệnh vẫn nên tiêm mũi 3
TS Nguyễn Huy Luân cho biết về phản ứng sau tiêm mũi 3 so với mũi 1, 2 cơ bản không khác nhau. Sau tiêm vẫn có những phản ứng phụ thường gặp như sốt, sưng nóng, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau nhức cơ… Do đó, khi về nhà cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ, khó thở... hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, gặp những triệu chứng này cần đến ngay cơ sở y tế.
Theo TS Nguyễn Huy Luân, với các trường hợp là F0 khỏi bệnh, đáp ứng miễn dịch hoàn toàn khác so với người được tiêm vắc-xin. Tính miễn dịch được sinh ra do bị bệnh. Tiêm vắc-xin là đã tính được liều lượng kháng nguyên phù hợp đưa vào cơ thể. Còn người mắc bệnh thì không thể xác định được lượng kháng nguyên có trong cơ thể ít hay nhiều. Quá nhiều hay quá ít đều không tốt, mà tốt nhất là phải đủ.
"Trong vắc-xin còn có những chất bổ trợ, giúp kích hoạt đáp ứng miễn dịch mạnh hơn. Điều này không có được ở người đã mắc Covid-19. Vì vậy, F0 khỏi bệnh có người sẽ tạo ra kháng thể tốt, có người không. Về mặt lý thuyết thì F0 khỏi bệnh không cần phải tiêm mũi 3. Tuy nhiên, nếu F0 khỏi bệnh là những người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch… thì nên tiêm mũi 3" - TS Nguyễn Huy Luân khuyến cáo.
Theo Sở Y tế TP HCM, từ tháng 12-2021 đến tháng 6-2022, TP HCM dự kiến cần hơn 6,3 triệu liều vắc-xin các loại (Astra-Zeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Sputnik V) để tiêm liều bổ sung cho người dân. Theo kế hoạch trong tháng 12-2021, thành phố sẽ tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày và người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.
Trong năm 2022, thành phố tiếp tục tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; phấn đấu bảo đảm phủ liều nhắc cho toàn bộ người trên 18 tuổi sống tại TP HCM vào cuối năm 2022.
Bình luận (0)