- PGS Trần Thị Lợi, bộ môn sản Đại học Y Dược TPHCM, trả lời: HPV là một loại siêu vi (virus) dễ bị lây nhiễm vì không cần phải giao hợp mà chỉ cần tiếp xúc mật thiết giữa da với da là có thể bị lây nhiễm. Do đó có tới 50% phụ nữ đã từng quan hệ tình dục bị nhiễm HPV ở cổ tử cung. Tuy nhiên, chỉ có một số rất ít (khoảng 0,16%) phụ nữ nhiễm HPV bị diễn tiến thành ung thư cổ tử cung, số còn lại khỏi bệnh tự nhiên. Ung thư cổ tử cung là một hậu quả nặng nề hiếm gặp, có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, đặc biệt nếu được phát hiện ngay từ giai đoạn tiền ung thư. Cách duy nhất để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm này là những phụ nữ đã có quan hệ tình dục phải đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng, khi đó chị em sẽ được bác sĩ cho làm phết tế bào cổ tử cung. Nếu phết tế bào cổ tử cung bình thường thì một năm sau mới phải làm lại.
Tiêm vắc-xin là hình thức chuẩn bị trước cho cơ thể chống lại lây nhiễm với HPV. Càng ít tuổi, cơ thể càng phản ứng miễn dịch tốt với vắc-xin, vì vậy phụ nữ trẻ và các bé gái nên tiêm vắc-xin sớm. Lý tưởng là các bé gái được tiêm phòng trước khi quan hệ tình dục.
Bình luận (0)